Lồng ghép tiếp cận văn hóa vào các chương trình, chính sách phát triển
Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo quốc gia “Các mô hình điểm trong lồng ghép tiếp cận văn hóa vào các chương trình, chính sách phát triển”.
Không gian cồng chiêng Mường, Hòa Bình.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan cho biết: Công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi đã đạt được nhiều thành tựu được ghi nhận không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế. Kết quả nổi bật nhất trong lĩnh vực công tác dân tộc có thể kể đến việc phối hợp rà soát, ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, phát triển mới có tầm chiến lược và đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức của ngành công tác dân tộc do xuất phát điểm thấp của các vùng DTTS và miền núi thường bị thiên tai; tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn rất cao; chất lượng giáo dục, y tế, đào tạo nghề và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế... “Hy vọng qua Hội thảo này, UBDT mong muốn tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế về các chủ đề chính và để làm rõ trong Khung đánh giá chương trình, chính sách phát triển vùng DTTS theo lăng kính cộng đồng” - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo bà Susan Vize, quyền trưởng Đại diện UNESCO Hà Nội: Hội thảo sẽ đem lại những kinh nghiệm thực tế cách thức lồng ghép văn hóa vào trong chương trình phát triển, những mô hình được chia sẻ tại Hội thảo sẽ chỉ ra những nguyên tắc và kinh nghiệm, phản ánh được các yếu tố văn hóa cũng như tận dụng nguồn lực văn hóa trong chương trình phát triển; Hội thảo là cơ hội để cùng thảo luận về cách thức xây dựng khung đánh giá, là công cụ quan trọng để UBDT đảm bảo các chương trình và chính sách liên quan đến các nhóm DTTS phản ánh được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Bà Susan Vize nhận định: Hội thảo sẽ đem lại những hiểu biết sâu hơn về cách thức cụ thể hóa cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển DTTS; là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng Khung thẩm định chính sách của UBDT.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Văn Chính giới thiệu về ứng dụng phương pháp tiếp cận nhân học phù hợp văn hóa trong phát triển gồm các nội dung chính: Những nguyên tắc căn bản trong tiếp cận nhân học; khái niệm phù hợp văn hóa; tiếp cận phù hợp văn hóa; tận dụng nguồn lực văn hóa địa phương cho mục tiêu phát triển... điểm cốt lõi của cách tiếp cận nhân học là xây dựng tinh thần cộng đồng và tính chủ động của người dân; mọi chương trình và mục tiêu phát triển, từ sinh kế đến giáo dục, đều lấy cộng đồng làm chủ thể và là trung tâm của quá trình phát triển.
Tiếp đó, đại diện của các tổ chức ILO, ActionAid, ISEE và UNESCO đã chia sẻ về các nội dung: Thúc đẩy áp dụng tri thức địa phương trong phát triển văn hóa sinh kế và trao quyền cho phụ nữ; trao quyền và lồng ghép văn hóa trong phát triển cộng đồng; tăng cường tính chủ thể của cộng đồng thông qua cách tiếp cận nghiên cứu cùng cộng đồng; Lăng kính đa dạng văn hóa – công cụ để phân tích đánh giá chính sách...
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến đối với một số nội dung như: xây dựng chính sách hỗ trợ công tác nâng cao nhận thức của đồng bào; giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, loại bỏ các hủ tục lạc hậu; cần có định hướng cụ thể để xây dựng kế hoạch tiếp cận, tham khảo đối tượng để dựa trên cơ sở đó xây dựng khung chính sách phù hợp với điều kiện từng địa phương; bảo tồn các làng nghề, phục dựng các lễ hội truyền thống... Qua đó UBDT sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu làm cơ sở cho quá trình xây dựng Khung thẩm định chính sách của UBDT để sớm được áp dụng.