Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Phùng Tuấn Anh 01/06/2016 12:05

Có dịp đến Đà Nẵng, bà con và du khách đừng quên ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm tọa lạc tại góc đường Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương, bên bờ sông Hàn. Mặc dù thời gian này Bảo tàng đang được tiến hành tu sửa một số hạng mục nhưng vẫn mở cửa đón khách tham quan. Bước chân vào Bảo tàng chúng ta như thấy lại cả quá khứ vàng son của một dân tộc. 

Bảo tàng  Điêu khắc Chăm

Khuôn viên Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

1. Hôm đó vừa lướt qua cầu Rồng, bạn tôi - một công dân của Thành phố Đà Nẵng liền dừng xe lại, và dẫn tôi vào thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Người bạn “thổ địa” nói với tôi, Bảo tàng nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lâu nay vẫn được bà con và khách du lịch quen gọi là Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Bảo tàng được người Pháp xây dựng từ tháng 7/1915, đến năm 1919 thì tòa nhà đầu tiên chính thức hoàn thành. Bảo tàng được xây dựng theo ý tưởng của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp). Sau đó, Bảo tàng trải qua hai lần mở rộng nữa, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu.

Đây là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chămpa tìm thấy ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các tháp, thành lũy Chăm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đáng chú ý, lâu nay, Bảo tàng này vẫn được coi là nơi lưu giữ nền văn hóa cổ Chămpa duy nhất trên thế giới.

Bảo tàng  Điêu khắc Chăm - 1

Hướng dẫn viên Bảo tàng giới thiệu cho du khách tham quan.

Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang được tiến hành nâng cấp, trùng tu. Theo một cán bộ của Bảo tàng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm với lịch sử 100 năm tuổi, trải qua nhiều năm tháng bom đạn của chiến tranh với không ít biến cố lịch sử, mặc dù được duy tu, bảo dưỡng nhưng nhiều hạng mục hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, Thành phố Đà Nẵng đã dành gần 45 tỷ đồng để tiến hành nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng, nhằm bảo đảm các yêu cầu về hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, lưu giữ hiện vật, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong năm 2016, công việc này được tiến hành nhằm bảo đảm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản tại bảo tàng đến đại biểu các nước tham gia Tuần lễ Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC), tổ chức tại Đà Nẵng, vào năm 2017.

Tại buổi lễ khởi công vào tháng 2 năm nay, ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu trong quá trình nâng cấp, cải tạo, các sở, ngành, đơn vị thi công cần tập trung triển khai thực hiện tốt các hạng mục, chú trọng đến yếu tố chất lượng, tính thẩm mỹ để Bảo tàng Điêu khắc Chăm trở thành bảo tàng vừa mang dáng dấp kiến trúc cổ vừa hiện đại trong cách bố trí, trưng bày, xứng đáng là điểm nhấn văn hóa của Đà Nẵng. Đồng thời, ông Dũng cũng nhấn mạnh, trong thời gian thi công, bảo tàng vẫn hoạt động đón khách bình thường nên đơn vị thi công cần đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.

Bảo tàng  Điêu khắc Chăm - 2

Tượng Garuda, thế kỷ 13.

2. Dẫn chúng tôi thăm quan Bảo tàng là một nam hướng dẫn viên. Theo lời giới thiệu của anh, chúng tôi biết được trước năm 2007, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một bộ phận của cơ quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ngày 2-7-2007, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 5070/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, là một đơn vị độc lập với Bảo tàng Đà Nẵng, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Đà Nẵng. Cuối năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là bảo tàng loại 1 (12/119 bảo tàng trên cả nước).

Bảo tàng hiện có hai khối nhà chính: khối nhà trưng bày được xây dựng từ năm 1915 và 1936; khối nhà trưng bày hai tầng xây dựng năm 2002. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong Bảo tàng khoảng 300 hiện vật được trưng bày trong khuôn viên của Bảo tàng và hơn 1.200 hiện vật đang cất giữ trong kho rất cẩn thận. Các trưng bày bên trong bảo tàng được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum. Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn là nơi lưu giữ 3 bảo vật quốc gia thuộc nền Văn hóa Chămpa, đó là Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu.

Theo các nhà nghiên cứu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là công trình kiến trúc hết sức độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa. Khoảng cuối thế kỷ XIX, những hiện vật điêu khắc như các mảng đài thờ, tượng đá ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng bắt đầu được những người Pháp yêu ngành khảo cổ học thu thập, tập trung lại.
Có bước chân vào Bảo tàng, mới nhận thấy những hình ảnh, các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng... là rất sống động, chi tiết, và chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử huy hoàng của các bậc tiền nhân đi trước.

Bảo tàng  Điêu khắc Chăm - 3

Một hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

3. Ngồi dưới vòm xanh của những cây xứ cổ thụ trong khuôn viên Bảo tàng, thấy những người thợ đang cẩn thận tiến hành trùng tu nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm lần này, nhiều người cứ cố hình dung hai lần Bảo tàng đã được mở rộng. Hiện các tài liệu về Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn còn ghi lại rất rõ. Lần mở rộng thứ nhất được tiến hành vào những năm đầu thập kỷ 1930, hoàn thành vào năm 1936.

Bảo tàng được xây dựng thêm hai phòng trưng bày hai bên, thẳng góc về phía trước của tòa nhà cũ, nhằm đủ chỗ để trưng bày thêm những hiện vật mới được thu thập về trong những năm 1920, 1930. Lúc bấy giờ, hiện vật được phân loại để trưng bày theo nguồn gốc địa điểm nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật. Không gian của tòa nhà bảo tàng gần 1.000 m2 đã được bố trí thành những khu vực trưng bày, tạm gọi tên như sau: phòng Mỹ Sơn - Quảng Trị, phòng Đồng Dương, phòng Tháp Mẫm, phòng Trà Kiệu và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Ngoài ra còn có một phòng nhỏ làm kho. Cách bố trí không gian trưng bày này cơ bản vẫn được duy trì cho đến hiện nay.

Bảo tàng  Điêu khắc Chăm - 4

Phù điêu Shiva - Phong Lệ tại phòng trưng bày “Đà Nẵng”.

Còn lần mở rộng thứ hai, Bảo tàng được xây thêm một tòa nhà hai tầng ở phía sau khu nhà cũ, với diện tích sử dụng khoảng 2.000 m2 dành cho việc trưng bày và hơn 500 m2 dành làm kho, xưởng phục chế và phòng làm việc. Tại tầng 1 của khu nhà mới này hiện đang trưng bày những hiện vật trước đó còn để trong kho và một số hiện vật sưu tầm được sau năm 1975. Tầng 2 trưng bày về văn hóa Chăm đương đại bao gồm sưu tập về trang phục, nhạc cụ và hình ảnh lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm.

Chúng ta cùng hy vọng, sau đợt cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lần này, hơn 1.200 hiện vật đang được cất giữ trong kho sẽ sớm được trưng bày để công chúng tận mắt chiêm ngưỡng những di sản văn hóa quý báu, và hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa cổ xưa. Đồng thời, những hiện vật khác cũng sẽ được trưng bày, mang tính lớp lang hơn, để du khách gần xa bước vào đây được đắm chìm trong một kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo không chỉ của Thành phố Đà Nẵng, của Việt Nam, mà còn của cả thế giới.

“Nguyên tắc chung trong việc nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tồn nguyên trạng hình dạng kiến trúc của tòa nhà xây dựng 100 năm trước, tập trung thực hiện các hạng mục chống thấm, chống xuống cấp, tôn tạo bổ sung những hạng mục kiến trúc phụ trợ nhằm có thêm không gian chức năng để phát triển bảo tàng nhưng vẫn giữ được vẻ hài hòa với cảnh quan, đường nét kiến trúc chung. Việc nâng cấp, cải tạo nội thất trưng bày cũng được chú trọng để bảo quản và tôn thêm vẻ đẹp của hiện vật, sắp xếp lộ trình tham quan hợp lý, thuận tiện cho khách đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc thi công sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, vừa thi công nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm của du khách. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2017”, ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cho biết.

Phùng Tuấn Anh