Bác sĩ bị hành hung: Vì đâu nên nỗi?
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ người nhà bệnh nhân đe dọa hành hung bác sĩ. Mới đây, vụ người nhà bệnh nhân lao vào tấn công, đe dọa bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực ở bệnh viện.
Số lượng bệnh nhân đến khám bệnh, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương rất lớn nên gây áp lực cả cho bệnh viện và bệnh nhân.
Đe dọa hành hung bác sĩ
Khoảng 4h sáng 28/5/2016, Nguyễn Hùng Cường (trú Hà Nội) đưa con trai bị sốt vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các y, bác sĩ bệnh viện đã tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe cho thấy cháu bé sốt cao 39 độ nhưng tỉnh táo, không có vấn đề gì nguy hại đến sức khỏe.
Mặt khác, trước đó 1 tiếng, người thân đã cho bệnh nhi uống thuốc hạ sốt nên các bác sĩ trong ca trực đã đề nghị tiếp tục theo dõi cháu bé, đồng thời yêu cầu người nhà cháu bé đi làm thủ tục khám bệnh.
Lúc này, bất ngờ, Cường lao vào tấn công bác sĩ Nguyễn Thị G.. Bị đánh bất ngờ, bác sĩ G. bỏ chạy ra khu vực nhân viên, nhưng Cường vẫn bám theo chửi bới, đe dọa bác sĩ G..
Có mặt tại hiện trường vụ việc, điều dưỡng viên Đào Ngọc Ph. liền can ngăn, nhưng cũng bị Cường quay lại tấn công túi bụi và chửi bới thậm tệ khiến cả Khoa cấp cứu - chống độc náo loạn. 20 phút sau, lực lượng công an có mặt tại bệnh viện nhưng Cường vẫn tiếp tục chửi bới, đe dọa hành hung nhân viên y tế ở đây.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc các nhân viên, y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương bị người nhà bệnh nhân hành hung.Trước đó, ngày 12/7/2015, Lê Văn Hoàng (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng vợ đưa con trai tên là Lê Gia B. (1 tuổi) đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Sau đó, cháu B. được sắp xếp nằm điều trị tại phòng 10B Khoa hô hấp (phòng tự nguyện).
Do số lượng bệnh nhân lúc đó rất đông nên khoảng 17h20 cùng ngày, bệnh viện chuyển cháu B. từ phòng tự nguyện sang phòng chung. Không đồng ý với điều này, Hoàng đã gọi một nhóm đối tượng côn đồ đến bệnh viện để uy hiếp tinh thần các bác sĩ và điều dưỡng viên để cháu bé được quay lại phòng tự nguyện. Hoàng đi vào văn phòng hành chính chửi bới, dùng tay túm tóc chị Nguyễn Thị Quỳnh là điều dưỡng viên của bệnh viện.
Trước đó, tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cũng xảy ra trường hợp người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ trọng thương. Theo đó, chị Đàm Thị Thu Thủy (trú tại Hà Nội) đưa con trai tên là Nguyễn Gia Huy đi thăm mẹ đang mổ đẻ tại bệnh viện. Cháu Huy chơi đùa và ngã từ trên giường xuống đất nên bị sưng vùng trán. Chị Thủy liền đưa cháu Huy đi cấp cứu tại Khoa ngoại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Khi cháu Huy được đưa vào viện, bác sĩ Phạm Thanh Tùng là người khám và đề nghị chuyển cháu sang Bệnh viện Ung bướu để chụp cắt lớp. Chị Thủy đưa cháu Huy đi, một lúc sau, có ba thanh niên vào bệnh viện.
Một người tự xưng là Đỗ Mạnh Tuấn nhận là người nhà của cháu Huy. Tuấn chửi bới bác sĩ Tùng rồi lao vào đánh, đấm vào mặt bác sĩ Tùng mặc cho bác sĩ Tùng giải thích. Hậu quả, bác sĩ Tùng bị chấn động não, không cử động được xương hàm trái, gẫy xương cung tiếp gò má trái và bị khủng hoảng tinh thần.
Rất cần sự cảm thông, chia sẻ
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các Bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn, Hữu Nghị, Phụ sản Trung ương, Viện Nhi Trung ương… hàng ngày các bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất lớn. Nhiều bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Mỗi bác sĩ ngồi phòng khám, phòng cấp cứu mỗi ngày phải thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân.
“Với số lượng lớn như vậy, bác sĩ chỉ đủ thời gian để làm các thủ tục thăm khám cơ bản chứ lấy đâu ra thời gian để hỏi tỉ mỉ về tiền sử bệnh, chế độ ăn uống, sinh hoạt”… - một bác sĩ ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, do các bệnh viện lớn thường rất đông bệnh nhân nên các bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại các bệnh viện này cũng chịu nhiều áp lực, căng thẳng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, 2 giờ chiều trời nóng gần 40 độ, những dòng người xếp hàng chờ đến lượt mình được khám bệnh vẫn dài dằng dặc.
“Biết trước bệnh viện lúc nào cũng đông nên tôi đã đến từ 7h sáng để hi vọng được khám trước, ai dè đến chiều rồi mà vẫn phải đợi. Buổi trưa chỉ kịp ăn tạm cái bánh mỳ cho đỡ đói. Nhà tôi ở tận Bắc Giang nên phải cố xếp hàng khám được trong ngày, nếu không tối phải ngủ lại càng thêm tốn kém và mệt mỏi…” - bà Nguyễn Thị Mai, một người dân nói.
Khảo sát tại khu điều trị nội trú của các bệnh viện cho thấy luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhân không có chỗ nằm phải rải chiếu nằm dưới sàn nhà, ngoài hành lang trong không khí nóng nực.
“Đúng là khổ như nằm bệnh viện. Có hôm một giường bé tẹo mà 2 đến 3 người nằm chung. Chúng tôi chỉ muốn nhanh khỏi bệnh để về nhà. Căng thẳng như vậy dẫn đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhận dễ bực bội nếu bác sĩ, nhân viên y tế cư xử thiếu tế nhị thì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất dễ có hành động tiêu cực…” - ông Lê Huy Văn, một bệnh nhân ở BV Việt Đức chia sẻ.
Vài năm gần đây một số bệnh viện cũng để xảy ra không ít sự cố khiến người dân bức xúc. Nhiều trường hợp khi xảy ra sai sót, bệnh viện lại né trách nhiệm hoặc tìm mọi cách dàn xếp với người nhà bệnh nhân bằng cách dùng tiền để đền bù để vụ việc không lộ ra ngoài. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận còn có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế có hành vi tiêu cực, tắc trách, thờ ơ với bệnh nhân.
Trở lại vụ việc bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương bị hành hung, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, BV đã rà soát lại toàn bộ quy trình đón tiếp, quy trình khám bệnh nhân. Các bác sĩ đã làm đúng quy trình. Em bé nêu trên đã được thăm khám, các bác sĩ hỏi bệnh, hướng dẫn cho cách xử lý tiếp theo.
Do là có vấn đề liên quan đến em bé sốt cao 39 độ nhưng trước đó 1 giờ gia đình đã dùng thuốc hạ sốt nên không thể tiếp tục dùng thuốc hạ sốt được nữa mà chỉ dùng các biện pháp khác như là lau chườm cho em bé.
Tuy nhiên, về phía gia đình một em bé sốt cao như thế họ luôn luôn lo lắng, căng thẳng. Nhưng bệnh tật không thể chỉ nhờ vào bác sĩ thăm khám là lập tức khỏi được.
“Đây là vụ việc đáng tiếc. Phía bệnh viện không bao giờ mong muốn xảy ra điều đó và không bao giờ chấp nhận hành động ấy. Giữa hai bên không hiểu nhau, khi y, bác sĩ giải thích người nhà bệnh nhân không nắm được vấn đề người ta cứ mong muốn là con người ta phải an toàn ngay lập tức. Chúng tôi mong muốn khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện chấp hành tốt nội quy bệnh viện. Phối hợp với các bác sĩ để các bác sĩ điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân…”- PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.