Xóa nhà tạm ven kênh rạch ô nhiễm: Dân mòn mỏi chờ
Chủ trương tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là cấp thiết từ nhiều năm qua và mỗi năm lại có nhiều lần phải họp bàn tìm giải pháp. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy hoạch, giải tỏa, kinh phí đền bù, bố trí tái định cư..., khiến nhiều nơi dự án tái định cư cho người dân còn nằm trên giấy. Rốt cục người dân vẫn tiếp tục phải sống “đu bám” ven và trên kênh rạch trong cảnh nơm nớp lo lắng vào mỗi mùa mưa…
Cuộc sống của người dân trên và ven kênh rạch rất tạm bợ.
Dân mòn mỏi chờ tái định cư
Tuyến kênh Đôi (Q.8), TP Hồ Chí Minh có trên 2.900 căn nhà trên và ven kênh rạch trong diện giải tỏa trắng, phải tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiệu, ngụ tại 2386/6C Phạm Thế Hiển, Q.8 cho chúng tôi biết: Người dân đã chờ đợi suốt nhiều năm nay, đời sống hiện rất tạm bợ do tình trạng rác thải ô nhiễm, nạn ruồi, muỗi phát sinh trong mùa mưa. Thế nhưng người dân cứ mòn mỏi chờ đợi ngày được tái định cư, mà không biết đến khi nào nhà nước mới thực hiện. Cực chẳng đã, gia đình ông Hiệu phải làm đủ việc, đủ nghề để mưu sinh trong khi chờ chính sách hỗ trợ của địa phương.
Gia đình ông Phạm Đức Hiệp, sống hẻm 6C nằm hoàn toàn trên kênh, được xây dựng cách đây hơn chục năm, hiện đã xuống cấp. Chính quyền nhiều lần thông báo chủ trương di dời; họp tổ dân phố cũng đã tuyên truyền, vận động người dân, đa số đồng thuận, nhưng chờ hoài thì dự án vẫn chưa thấy động tĩnh. Hơn 2 năm nay, khi triều cường diễn biến phức tạp, căn nhà của ông Hiệp có thể đổ sụp xuống lòng kênh bẩn bất cứ lúc nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng tại kênh Đôi mà hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 17.000 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc diện phải di dời. Trên thực tế, con số này còn có thể còn cao hơn nữa do nhiều tuyến kênh, rạch chưa có số liệu khảo sát cụ thể và báo cáo về Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh. Trong đó có khoảng 67 kênh rạch chưa thực hiện cắm mốc hành lang an toàn; đồng thời các nhà xây trái phép trên và ven kênh rạch vẫn tiếp tục gia tăng vào mỗi năm.
Chỉ tính riêng trên địa bàn quận 8 – Quận có nhiều hộ sống ven kênh rạch nhất tại TP HCM - hiện vẫn còn trên 9.500 nhà ở trên và ven kênh rạch, tập trung tại kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, kênh Đôi, Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa, Bến Nghé,…Trong đó, còn trên 8.400 căn nhà ven kênh và gần 1.100 căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh rạch, nền móng được chống đỡ tạm bợ, chắp vá, với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Đáng chú ý, hầu hết các nhà ở dạng này đều xây trái phép, không phép, hiện trạng lụp xụp không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt. Một số căn xây hoàn toàn trên kênh rạch và chưa được lắp đặt đồng hồ điện (đa số câu điện nhờ); không có hệ thống nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm ngày càng tăng. Nhiều tuyến kênh dù đã được cải tạo ven bờ, nạo vét thường xuyên nhưng vẫn tồn tại các kênh nước đen – như một “đặc sản” của nhà ở ven kênh, trên kênh tại TP HCM.
UBND Q.8 đã nhiều lần họp bàn giải pháp, trong đó đã đưa ra 2 phương án di dời người dân đến nơi tái định cư, gồm: phương án 1 là di dời toàn bộ các hộ dân ven kênh rạch trên địa bàn, với tổng mức kinh phí bồi thường di dời, giải tỏa dự trù là 13.763 tỉ đồng; Phương án 2 là ưu tiên di dời giải tỏa trước các nhà ở trên và ven kênh đã lụp xụp, không đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt. Cụ thể, Q.8 đã dự kiến phương án di dời nhà nằm ven kênh Đôi với 2.910 căn, tổng kinh phí 3.837 tỉ đồng. Ngoài ra, quận này cũng đã triển khai xúc tiến 7 dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn, với quy mô 6.100 căn hộ, nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới có sẵn hơn 250 căn có thể bố trí cho người sống ven và trên kênh rạch về tái định cư. Thực tế này quá chậm so với nhu cầu cấp thiết về chỗ ở mới an toàn, đảm bảo sinh hoạt để ổn định cuộc sống cho các hộ dân.
Ngao ngán tiến độ “rùa”
Trước thực tế nêu trên, khi làm việc với UBND Q.8, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng gợi ý chính quyền quận nghiên cứu xây nhà tái định cư nhằm giải tỏa các hộ dân sống trong các khu ổ chuột ven kênh rạch không nhất thiết phải chờ nguồn vốn ODA hay ngân sách thành phố mà có thể giao cho doanh nghiệp (DN) làm với chính sách phù hợp. Theo ông Thăng, tất cả các hộ dân, kể cả không đủ điều kiện để được đền bù nhưng chính quyền cần linh động để giải quyết thỏa đáng, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, thay vì kế hoạch xây dựng tái định cư cho các hộ dân tới năm 2023 như phương án của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thì có thể đẩy nhanh tiến độ hơn, bằng cách giao cho các DN vào đầu tư. Trong đó, ưu tiên triển khai theo mô hình đối tác công-tư nhằm giảm tối đa ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, một thực tế khiến nhiều người dân còn ngao ngán chính là tiến độ các dự án nhà ở tái định cư cho các hộ sống trên và ven kênh rạch còn rất chậm; nhiều dự án còn nằm trên giấy và chưa rõ khi nào mới bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai xây dựng.
Tại quận 8 hiện đã xúc tiến dự án di dời và nâng cao chất lượng sống cho người dân trên kênh Đôi, kênh Tẻ. Dự án này nằm trong chương trình Dự án cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 3, do JICA tài trợ và Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP là chủ đầu tư. Theo ông Lương Minh Phúc - Trưởng ban Quản lý, hiện các hạng mục chính của dự án đã được xúc tiến và lên kế hoạch, như: hạng mục di dời và tái định cư cho 5.800 hộ dân và hạng mục xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực Nam Sài Gòn, với chiều dài 10km tuyến cống chính và 33km tuyến cống nhánh; hạng mục xây nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, với công suất dự kiến 100.000 - 170.000 m3/ngày;…Cũng theo ông Phúc, rút kinh nghiệm các dự án trước đây thì việc bố trí nhà ở tái định cư gần khu vực (phường cư trú của các hộ ven kênh rạch) được ưu tiên để không làm xáo trộn cuộc sống của người dân khi về nơi ở mới.
Ngoài dự án này, UBND Q.8 cũng đã xúc tiến các dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (phường 9, 10, 11); Dự án cải thiện môi trường nước kết hợp dự án đầu tư xây dựng đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ;…Dù vậy, cho đến nay người dân trong diện di dời ven kênh Đôi, kênh Tẻ vẫn phải tiếp tục chờ đợi vì địa điểm dự kiến xây nhà ở tái định cư đã có, nhưng dự án chưa đi vào triển khai, tiến độ dự kiến bàn giao nhà cho các hộ dân cũng chưa được thông báo cụ thể,…
Hàng ngàn hộ sống trên và ven các kênh rạch tại TP.HCM mòn mỏi chờ tái định cư.
Tiếp tục chờ thêm 5 năm nữa
Tại quận Bình Thạnh, UBND quận cũng đã lên phương án di dời các hộ sống trên và ven các rạch Văn Thánh, Xuyên Tâm và Bùi Hữu Nghĩa. Riêng kênh Văn Thánh thời gian qua bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước dưới kênh luôn trong tình trạng đặc quánh, đen sì và bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các khu vực dân cư hiện hữu. Hiện các dự án cải tạo các rạch này đã được UBND TP chấp nhận chủ trương và có phương án cụ thể tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, dự án nạo vét toàn tuyến hành lang bảo vệ rạch Văn Thánh, đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được quy hoạch 1/2000, với chiều dài tuyến khoảng 1.900m. Dự kiến sẽ có khoảng 827 căn nhà ven kênh bị giải tỏa, với 637 căn giải tỏa hoàn toàn và 190 căn giải tỏa một phần. Tuy nhiên, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án này cũng sẽ phải kéo dài đến năm 2017 mới hoàn thành để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cho đến lúc được xem xét về nơi tái định cư, người dân sống ven các rạch trên vẫn phải tiếp tục chờ đợi thêm ít nhất 5 năm nữa…
Chúng tôi đã có mặt tại Chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) – nơi giải quyết và đón nhiều hộ ven kênh rạch về tái định cư, với quỹ gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Tuy nhiên, số lượng hộ dân được xét duyệt về tái định cư tại đây mới chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng 15% trong gần 5 năm qua.
Tái định cư, ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn hộ dân sống ven và trên kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là vấn đề an sinh xã hội cấp thiết. Cho đến nay, chủ trương tái định cư được nêu ra nhưng rồi vẫn bị bỏ lửng…chưa biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.