Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa: Lật tẩy hàng loạt sai phạm
Sau 6 tháng tiến hành thanh tra 17 dự án xây dựng đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) được phê duyệt vào cuối năm 2014, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng ở một số dự án. Trong đó sai phạm tại dự án đường Quốc lộ 1 đi qua tỉnh Khánh Hòa với tổng chiều dài 37,7 km dẫn đến chênh lệch tổng mức đầu tư nhiều tỷ đồng.
Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.
Dự toán “vống” hơn ngàn tỷ
Dự án Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa được cấp phép vào tháng 4/2013, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2016. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Tổng vốn của dự án là 2.644 tỷ đồng, trong đó vốn chi lớn nhất cho xây dựng và thiết bị là hơn 1.300 tỷ đồng.
Mặc dù hoàn thành trước kế hoạch, song theo kết luận của thanh tra Bộ KH&ĐT, dự án BOT QL 1 đoạn qua Khánh Hòa có nhiều sai phạm liên quan đến lập dự toán. Cụ thể, dự án BOT Quốc lộ 1 đi qua Khánh Hòa lập dự toán với tổng vốn gần 2.644 tỷ đồng nhưng tính đến tháng 10/2015 khi dự án hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng, tổng vốn thực hiện chỉ là 1.400 tỷ đồng, bằng gần 1/2 so với dự toán, tức phần chênh lệch dự toán ban đầu lên tới 1.282 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong dự toán vốn vay ngân hàng của dự án, hợp đồng vay hơn 2.350 tỷ đồng, nhưng trên thực tế khi dự án hoàn thành phần vốn vay giải ngân chỉ là 1.000 tỷ đồng, mức chênh lệch là hơn 1.350 tỷ đồng.
Vốn vay thấp hơn nhiều so với dự toán vay, khiến chi phí lãi vay trong dự toán dự án sẽ giảm xuống. Thế nhưng, trước đó khi lập dự toán, chủ đầu tư dự toán dành 343 tỷ đồng chi trả chi phí lãi vay hơn 2.350 tỷ cho các ngân hàng. Tuy nhiên, với 1.000 tỷ đồng lãi vay, trên thực tế dự án chỉ mất hơn 60 tỷ đồng (tức mức chênh lêch gần hơn 280 tỷ đồng)
Lộ diện hàng loạt mánh “ăn chênh”
Ngoài những dự toán lớn chênh lệch vốn, kết luận thanh tra Bộ KH&ĐT còn chỉ ra một số sai phạm tại dự án BOT này. Đơn cử như việc phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo tác động môi trường. Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 29/2011/NĐ – CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư, chủ dự án phải trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định đầu tư dự án.Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để quyết định đầu tư dự án. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án trước khi báo cáo đánh giá tác động môi trườngđược phê duyệt. Bên cạnh đó, việc khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn một số hạn chế, dẫn đến: Phải điều chỉnh, bổ sung về quy mô, thiết kế; Một số đoạn đường qua đô thị đã thi công một số lớp kết cấu nền, mặt đường nhưng do thay đổi thiết kế nên phải đào bỏ đi với giá trị 899.017.000 đồng (chi phí này không đưa vào dự án).
Kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ: Chi phí nhân công trong đơn giá xây lắp tính chưa phù hợp. Theo đó, chi phí nhân công trong đơn giá xây lắp được phê duyệt tính trên cơ sở Nghị định số 205/2004/NĐ- CP ngày 14/2/2004 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tính thêm 10% (chế độ không ổn định sản xuất) trong cơ cấu lương không có trong quy định tại Nghị định này đã làm tăng chi phí nhân công lên hơn 15 tỷ đồng. Về việc tính nhầm, tính lượng đất đắp khi lập dự toán, làm tăng thêm 26,9 tỷ đồng, kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT nêu rõ: Trong tính toán, chủ đầu tư dự kiến sẽ tận dụng 50% đất đào nền đường để đắp lên với khối lượng là 273.700m3, tuy nhiên trên thực tế 50% này chỉ là 86.602m3, chênh lệch quy ra tiền tương đương hơn 7,6 tỷ đồng. Đặc biệt, sai lệch về cự ly vận chuyển vật tư, vật liệu từ mỏ, địa điểm cung cấp bê tông đến nơi thi công làm tăng giá trị dự toán dự án lên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, một số chi phí trong dự toán đưa ra cũng chưa hợp lý, chưa có cơ sở dự tính là 3,4 tỷ đồng.
Theo kết luận, các sai phạm về cự ly vận chuyển đất, đá của dự án ở hầu hết các hạng mục gói thầu số 4, số 10, số 7 6, 5 và 11 đều sai lệch (giảm trên thực tế) so với dự toán trước đó, cá biệt trong gói thầu số 4, cự ly vận chuyển không thích hợp, đất đào cấp 3, bê tông.... đổ thải là 5,15 km, nhưng trên dự toán trước đó là 15,8 km (thực tế giảm 10,8 km), khiến làm tăng giá trị gói thầu xây lắp số 4 lên 1,8 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên tại dự án Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm chỉ đạo các đơn vị cá nhân họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, sai sót được nêu trong báo cáo kết quả thanh tra, đề ra những biện pháp khắc phục và thực hiện đúng quy định đối với những công việc đang tiếp tục triển khai. Rút kinh nghiệm trong việc khảo sát, lập, thẩm định Dự án khi chưa nghiên cứu kỹ, còn để sai sót dẫn đến chênh lệch tổng mức đầu tư khoảng 61,8 tỷ đồng.