Lãng phí là tội ác

Hữu Nguyên 03/06/2016 09:30

Quyền lực bị tha hóa có nguy cơ biến một bộ phận “công bộc” trở thành “những ông vua con”. Để thỏa mãn lợi ích riêng tư cùng lợi ích nhóm, “những ông vua con” sẵn sàng can thiệp bằng mọi giá vào hệ thống công quyền; thâu tóm, làm méo mó, phung phí nghiêm trọng nguồn lực quốc gia, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu - nghèo và bất công xã hội.

Lãng phí là tội ác

Biếm họa của Choai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã cảnh báo về hiện tượng có một bộ phận cán bộ “quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, vô trách nhiệm với dân “. Trong số đó có không ít cán bộ quan cách, xa dân, tự cho mình các đặc quyền đặc lợi, “như những ông vua con”. Mặt khác, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội tháng 5-2016, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “Lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng”.

Theo các chuyên gia, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công có khả năng lên đến 100% giá trị công trình. Lãng phí ngay từ trong định hướng chính sách, trong thực hiện xây dựng làm hoang phí đầu tư công, làm bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát và chỉ số tiêu dùng. Nguyên nhân là do luật quy định chi phí cho thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý được tính phần trăm trên tổng vốn đầu tư công trình. Như vậy, công trình được duyệt có vốn đầu tư càng lớn, các đơn vị này được hưởng chi phí càng nhiều.

Do đó, đơn vị thiết kế chăm chăm “vẽ” dự án càng kiên cố, càng hoành tráng càng tốt. Có thể nhận thấy thất thoát, lãng phí xảy ra ngay từ các quy định của cơ quan nhà nước chứ không phải chỉ đến khâu thi công.

Điều này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà các tỉnh thành trong cả nước đã và đang rục rịch “mốt” xây tòa nhà hành chính cao, to, hoành tráng và chi phí đầu tư lên đến con số nghìn tỷ đồng. Có thể, việc xây dựng đó được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là lấy từ tài sản công, từ việc đổi đất công lấy cơ sở hạng tầng.

Cũng trong thời gian gần đây, một loạt dự án do các doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, nghĩa là bằng cách này hay cách khác sử dụng gián tiếp tiền từ ngân sách, bị điểm mặt chỉ tên là thiếu hiệu quả. Đó là 7 nhà máy sản xuất xăng ethanol nằm đắp chiếu. Là đại dự án nhà máy thép 8.000 tỉ đồng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang hoang tàn.

Danh sách những nhà máy thua lỗ, những con đường mới sử dụng đã hỏng, những khu chợ, trung tâm thương mại thưa thớt người buôn bán, kinh doanh, những tượng đài cỏ mọc còn dài và chắc chắn còn đang tiếp tục dài lên thêm nữa. Tất cả cùng góp phần cho một “thành tích” - tăng nợ công quốc gia và làm xói mòn tiềm năng phát triển của đất nước.

Câu chuyện nợ nần của các địa phương giờ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Năm ngoái, Thành ủy Bạc Liêu lùm xùm chuyện tài khoản rỗng không giữa lúc bàn giao nhiệm kỳ, với nhiều khoản nợ chưa trả hết. Kỷ luật tài khóa ở trung ương còn bộc lộ tồn tại, nhiều lúc chưa nghiêm, ở địa phương chắc chắn còn lỏng lẻo hơn.

Chưa có những tính toán chi tiết, tuy nhiên, từ quan sát cũng có thể thấy, những cuộc họp hành liên miên, những buổi lễ lạt, tiếp khách... tăng tỷ lệ thuận với “sổ nợ” của các ủy ban, cơ quan nhà nước tại các quán ăn, nhà hàng ở địa phương. Tiền ấy đương nhiên không phải là tiền túi của công chức, mà là từ nguồn chi thường xuyên trong ngân sách trích ra. Hiệu quả của những khoản chi ngốn một phần không nhỏ trong ngân sách nhà nước này thật khó có thể đo lường.

Con số 40.000 xe công và 12.800 tỷ đồng chi phí xe công hàng năm được Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) công bố năm ngoái trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, đã khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng. Gần đây, tại các tỉnh nghèo lại xuất hiện không ít xe Lexus hạng sang trị giá tới 5-6 tỉ đồng đăng ký dưới tên cá nhân, doanh nghiệp tư nhân nhưng đang gắn biển xanh, được một số lãnh đạo địa phương vô tư sử dụng, càng làm dư luận thêm bàng hoàng.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng chính bởi kỷ luật ngân sách không nghiêm, hiện tượng lạm dụng xe công vượt quy định ngày càng phổ biến... là lý do khiến chi phí xe công đã và đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khá eo hẹp như hiện nay.

Ngay từ năm 1952, khi nói chuyện về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi lãng phí và tham nhũng là “hai anh em sinh đôi”, gây nên những thất thoát lớn nguồn lực xã hội. Nhưng trong khi chúng ta có thể gọi tên, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, bỏ tù người tham nhũng, thì vẫn loay hoay đi tìm định nghĩa lãng phí, và càng chưa xử bất kỳ ai vì hành vi gây lãng phí. Có thể nói, so với tham nhũng, lãng phí chưa được nhận diện đúng mức cả về quy mô, mức độ tác động đến đời sống xã hội.

Xây dựng một “chính phủ liêm chính” phục vụ nhân dân vô điều kiện đòi hỏi phải có cơ chế loại bỏ ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ tha hóa, mất phẩm chất, trở thành tác nhân gây hại và cản trở sự phát triển. Không chờ đợi các cơ quan bảo vệ luật pháp khẳng định các hành vi tham nhũng và làm án hình sự thì mới có thể nhận diện để lọai bỏ các quan chức tham ô, tham nhũng, vi phạm luật pháp ra khỏi hệ thống. Lãng phí và thái độ quan liêu, xa dân cũng cần được xem là một trong những chỉ dấu nghiêm trọng để đánh giá năng lực và phẩm chất cán bộ.

Lãng phí của công và tài sản quốc gia, lãng phí công sức của nhân dân phải được xem là tội ác. Do vậy, một trong những nội dung công tác xây dựng và tổ chức cán bộ, ngoài yêu cầu “liêm chính” ra, còn đòi hỏi “cần kiệm”. “Cần – Kiệm – Liêm – Chính” là những phẩm chất luôn luôn đồng hành, gắn bó máu thịt với nhau để trở thành một tiêu chuẩn chung trong việc hình thành và xây dựng nhân cách, đạo đức cán bộ của bộ máy phục vụ nhân dân.

Hữu Nguyên