Đền Tống Trân: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của vùng quê Bắc Bộ

Lê Huyền (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cừ Hưng Yên) 03/06/2016 08:30

Vào những ngày hè, đến với đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân, du khách sẽ được dạo bước trên triền đê ngắm dòng sông Luộc trong xanh và thưởng thức hương thơm dịu mát cùng với vẻ đẹp của các đầm sen đang đua nhau nở rộ. Đền thờ Tống Trân tọa lạc trên một khu đất cao và thoáng rộng khoảng 5 mẫu Bắc Bộ ở phía Nam thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Từ ngoài vào, chúng ta sẽ dảo bước trên con đường nhỏ, hai bên là những hàng cây tỏa bóng mát. Đền Tống Trân được xếp hạng

Đền Tống Trân: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của vùng quê Bắc Bộ

Cổng đền.

Đền được xây dựng để thờ Tống Trân, một người thông minh xuất chúng được sinh ra tại quê hương An Cầu. Ông đỗ Trạng nguyên nước Việt khi mới lên 7 tuổi. Sau đó, Tống Trân nhận trách nhiệm đi sứ 10 năm sang Bắc quốc. Tại đây, sau nhiều lần thử tài quan Trạng nước Nam, vua Tàu đã thán phục phong ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Tống Trân cũng là hình mẫu tiêu biểu về tình yêu chung thủy. Dù có bị ép lấy công chúa nước Tàu nhưng chàng vẫn giữ trọn mối tình son sắc với nàng Cúc Hoa là người vợ hiền ở quê nhà. Tống Trân là bậc hiền tài mà đã trọn vẹn cả chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Nghĩa.

Đền thờ Tống Trân được khởi dựng từ khá sớm, ngay khi ông mất triều đình và dân làng đã cùng nhau xây dựng ngôi đền để thờ ông. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử đền đã nhiều lần bị hư hỏng và cũng nhiều lần được tôn tạo lại. Cổng đền được ghi bằng chữ Hán “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”. Qua nghi môn là đến khoảng sân rộng lát gạch bát.

Giữa khoảng sân là táp môn hình cuốn thư đề thơ chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Trước sân là “ao mắt rồng” quanh năm nước trong xanh. Bao quanh ao là hồ rộng được trồng sen, mỗi mùa sen nở tỏa hương thơm ngát cả khu đền. Ngày nay, đền có kiến trúc gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: Tượng Tống Trân, câu đối, đại tự, bát hương, thần tích, 7 đạo sắc phong.

Đây là một ngôi đền còn tương đối đồng bộ từ kiến trúc tới không gian cảnh quan và đồ thờ tụ. Tất cả tạo nên một không gian tâm linh, thành kính của nhân dân đối với người được thờ. Đồng thời nó cũng tạo nên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính cho làng quê văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong khuôn viên di tích, ngoài khu thờ chính còn có đền Mẫu là nơi thờ vọng bà Cúc Hoa, người vợ hiền tần tảo của Tống Trân. Nàng cũng là người thay chàng chăm sóc mẹ trong suốt 10 năm Tống Trân đi xứ.

Để tưởng nhớ đến công lao của bậc hiền tài, hàng năm lễ hội đền Tống Trân được tổ chức từ ngày 10 đến 17/4 âm lịch, trong đó ngày 13 và ngày 14 là ngày hội chính. Ngày 13 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng như: đền Lê Xá, chùa Thánh Ân… về tụ hội ở đền Tống Trân.

Trong ngày chính hội (ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tùy tùng, cờ, võng lọng rất uy nghi. Sau đó dân làng tập trung tại đền Tống Trân để tổ chức tế lễ. Đến ngày 16, nhân dân lại rước kiệu về các đình, đền, chùa an vị. Ngày 17 làm lễ bế hội.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng khách thập phương được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, phong phú, đa dạng như: hát quan họ, hát chèo… và các trò chơi dân gian: cờ múa, múa lân, múa rồng, chọi gà, kéo co...

Những nghi lễ truyền thống đặc sắc cùng nhiều trò chơi dân gian phong phú đã đưa lễ hội đền Tống Trân trở thành một lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ (Hưng Yên), thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đây cũng là nét đẹp văn hóa góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hun đúc thêm ý chí học hành của bao thế hệ tiếp nối để cùng xây sáng tương lai.

Lê Huyền (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cừ Hưng Yên)