Trưng bày tư liệu về Mặt trận Việt Minh
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941 - 19-5-2016), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh - Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)”. Trưng bày chuyên đề khai mạc ngày 18/5 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hang Lùng Đán, xã Tân Lập, Bắc Sơn, Lạng Sơn -
nơi luyện tập của đội Cứu quốc quân I, trong những năm 1943 - 1944.
Ngày 28/1/1941, sau gần 30 hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Để tập hợp đông đảo hơn nữa mọi tầng lớp nhân dân chống kẻ thù xâm lược, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 5-1941), Nguyễn Ái Quốc cùng Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thay cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương.
Tồn tại trong vòng 10 năm (1941-1951), Mặt trận Việt Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam qua từng chặng đường lịch sử. Từ khi ra đời, Mặt trận Việt Minh luôn giương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để thực hiện mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc.
Có thể nói, Mặt trận Việt Minh thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Mặt trận Việt Minh đã để lại cho Đảng nhiều bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết dân tộc vẫn là vấn đề mang tính thời sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ thị của kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ.
Trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc” lần này mở ra, góp phần giúp công chúng hiểu rõ hơn về vai trò của Mặt trận Việt Minh trong việc tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc dưới lá cờ Việt Minh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng thời, trưng bày cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân với chủ trương đường lối của Đảng; từ đó, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua lập thành tích ngay từ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, nội dung trưng bày sẽ bao gồm các tài liệu hiện vật được chia thành 4 phần:
Phần Mở đầu: Giới thiệu bối cảnh lịch sử (trong nước và quốc tế) trước khi thành lập Mặt trận Việt Minh.
Phần 1: Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Mặt trận Việt Minh, giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về vai trò định hướng, chỉ đạo, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời Mặt trận Việt Minh.
Phần 2: Mặt trận Việt Minh-ngọn cờ tập hợp, đoàn kết dân tộc (1941-1951) gồm 2 nội dung: Đoàn kết dân tộc tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1941-1945) và Đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1951).
Phần kết: Phát huy tinh thần của Mặt trận Việt Minh về đại đoàn kết dân tộc, giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh về đại đoàn kết dân tộc thời kỳ đổi mới, lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh trong những năm qua.
Trưng bày dự kiến mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến tháng 8/2016.