Người 'mẹ hiền' ở bản Rào Tre
Bản Rào Tre nằm khép mình dưới chân núi Kà Đay (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh). Sau gần sáu thập niên hòa nhập với cộng đồng, nhiều đồng bào dân tộc Chứt ở đây vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy hôn nhân cận huyết. Việc gieo con chữ cho con em vùng bản cũng hết sức gian nan. Nhưng dù khó khăn đến mấy, gần 10 năm cắm bản, cô giáo Hoàng Thị Hương vẫn tận tụy với các em học sinh như người mẹ hiền thứ hai của các em.
Ngày 4 lượt cô Hương đến tận nhà đưa trẻ đến trường rồi đưa về.
Bản Rào Tre có 37 hộ với gần 134 nhân khẩu đều là người dân tộc Chứt. Những năm qua, dù lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã nỗ lực tìm mọi phương cách để đưa đồng bào hòa nhập cộng đồng, thoát khỏi vòng xoáy hôn nhân cận huyết, tuy nhiên đây không phải là việc đơn giản có thể làm được một sớm một chiều. Do vậy, chuyện đến trường tìm con chữ của con em đồng bào Chứt cũng trở nên gian nan, nhất là đối với học sinh mầm non.
Gần 10 năm nay, hành trình đến trường của cô giáo Hoàng Thị Hương bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy cho đến khi mặt trời đã lặn khuất dưới chân núi. Cô lặn lội đến nhà từng em học sinh, đánh thức các em dậy, rửa mặt, súc miệng rồi đưa các em đến lớp. Ngày 4 lần sáng, trưa, chiều, tối cô đưa đón các em đến tận nhà và công việc của cô không chỉ dừng lại ở đó.
Nhớ lại những ngày đầu mới về với dân bản, cô Hương vẫn còn cảm nhận được sự nhọc nhằn khi vận động học sinh đến lớp. Lớp học lúc ấy không có một bóng học sinh, hỏi ra mới biết muốn các em đến lớp phải đến tận nhà đưa đi. Nhưng khi đến nhà thấy cô Hương là người lạ nên phụ huynh cũng không cho các em đi học.
Cuối cùng, cô Hương cùng Bộ đội Biên phòng phải nhờ già làng Hồ Púc đi cùng đến tận nhà thuyết phục phụ huynh, đưa các cháu đến lớp học. Suốt buổi học, già Hồ Púc ngồi túc trực bên ngoài, cuối buổi cô giáo Hương lại cùng già Hồ Púc đưa từng cháu về nhà. Phải mất gần 2 năm trời phụ huynh quen mặt, cô giáo Hương mới có thể tự mình đưa học sinh tới trường.
Gần 10 năm nay, cô giáo Hoàng Thị Hương tận tụy với những đứa trẻ người Chứt.
Bản Rào Tre bây giờ đã đổi khác, đã có chiếc cầu bắc qua con sông Ngàn Sâu hung dữ, chứ những năm trước cô Hương muốn đưa học sinh đi học phải bì bõm lội qua sông. Cô nhớ lại: “Mùa hè còn đỡ, nhưng cực nhất là mùa đông và sợ nhất là khi nước lên cao. Có năm, khi đi qua sông, em bị trượt chân nước cuốn, may mà bám được bụi cây nên thoát chết”.
Khi đến nhà các em học sinh, cô Hương phải tự tay vệ sinh cá nhân cho các em. “Thời gian đầu thì rất vất vả do các cháu không tắm rửa, người bẩn có nhiều mùi hôi, nhiều cháu còn bị ghẻ, lở… nhìn các cháu như thế, em cảm thấy thương nhiều hơn sợ”- cô Hương tâm sự.
Không chỉ lo đưa đón, dạy dỗ cô Hương còn kiêm luôn việc nấu bữa trưa cho 14 em học sinh. Nhiều lúc cô còn bỏ tiền túi ra để mua sách vở, quần áo, đồ chơi, bánh trái và còn mang thêm gạo ở nhà đến để thêm vào khẩu phần ăn cho các em. Bởi trong số 14 trẻ ở điểm trường này thì chỉ có 8 trẻ (độ tuổi từ 3 – 5 tuổi được hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng/cháu) còn lại 6 trẻ ở nhóm dưới 3 tuổi chưa có chế độ gì do không nằm trong phổ cập chung.
Không chỉ là cô giáo, mẹ hiền, cô Hương cũng là người đặt tên “khai sinh” cho những đứa trẻ người Chứt. “Nhiều khi phụ huynh không nhớ tên con nên mỗi khi có việc lại chạy lên hỏi: Cô ơi, con tôi tên gì?”, cô Hương chia sẻ.
Người Chứt ở Rào Tre không có ngôn ngữ viết mà chỉ có ngôn ngữ nói. Thông qua giao tiếp, học hỏi, cô Hương đã thành thuộc ngôn ngữ của người Chứt. 10 năm “cắm bản” dường như cô đã trở thành một thành viên không thể tách rời khỏi Rào Tre.
Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Liên cho biết: “Nhà trường mấy lần đề xuất để cô Hương chuyển công tác vì thấy cô vất vả quá. Nhưng một phần cô Hương còn muốn gắn bó với bản, một phần nhà trường từng điều động giáo viên khác về nhưng học sinh không đến trường vì họ đã quen cô Hương rồi”.
Ghi nhận những cống hiến cho sự học ở bản Rào Tre, năm 2015 cô giáo Hoàng Thị Hương được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015.
Khi được hỏi cô Hương không có nguyện vọng gì cho cá nhân mà chỉ trăn trở: “Học sinh học ở bản đã hàng chục năm nay nhưng lớp học vẫn phải chung với hội quán, không có chỗ nghỉ trưa, nếu được đầu tư xây dựng lớp học thì công tác chăm nuôi, giáo dục các cháu sẽ tốt hơn”. Một mong ước giản dị nhưng vô cùng cao đẹp của cô giáo - mẹ hiền Hoàng Thị Hương.