Cột cờ Lũng Cú

Thanh Minh 03/06/2016 10:15

Hà Giang, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc lâu nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước với Phố cổ Đồng Văn, Dinh Họ Vương, Nhà của Pao, đỉnh Mã Pí Lèng… và Cột Cờ Lũng Cú - một địa chỉ mà du khách nào lên đây cũng đều muốn được chinh phục. 

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú.

Được xem là “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc” mà bất kì người dân Việt Nam nào cũng mong muốn được chinh phục - Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn). Từ chân núi, du khách leo đúng 389 bậc đá với độ cao 1700m là tới đỉnh Lũng Cú. Đứng ở đây, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió, trong lòng mỗi người chợt trào dâng một niềm tự hào, xúc động. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều lần xây dựng, trùng tu, cột cờ Lũng Cú vẫn nguy nga, sừng sững và kiêu hùng.

Trên đỉnh cột cờ là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Đứng từ đỉnh Lũng Cú nhìn xuống cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, bao bọc các bản làng của người Lô Lô Chải, Séo Lủng… Những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, những cua gấp khúc tưởng chừng dài vô tận. Đặc biệt là hai hồ nước Lô Lô nằm gần như đối xứng nhau, quanh năm không bao giờ cạn nước được người dân nơi đây ví như “mắt rồng”. Tất cả vẽ nên một bức tranh hoang sơ nhưng đầy thơ mộng, thanh bình.

Ngọc Hoa, cô sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn xúc động: “Được đứng ở đây, chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc thân yêu tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang ngạo nghễ tung bay trong nắng gió cảm giác thật quá đỗi thiêng liêng và tự hào”.

Lũng Cú theo cách giải thích giản dị của người dân nơi đây tức là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy vì nơi đây có những cánh đồng bạt ngàn ngô. Màu xanh của ngô cũng là màu ấm no của bản làng, những nóc nhà nơi lưng chừng núi này. Nhưng có một cách giải thích khác mang màu sắc huyền thoại về ngọn núi Lũng Cú, hay còn gọi là núi Rồng, núi Long Cư, tức nơi rồng thiêng từng cư ngụ.

Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước, mặc dù ở độ cao chót vót này nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng). Tương truyền xưa kia, cư dân vùng này luôn thiếu nước sinh hoạt, điều đó đã làm cho rồng thiêng động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng, tạo thành hai hồ nước ngày nay.

Lâu nay Cột cờ Lũng Cú trở thành niềm tự hào của bà con đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói riêng, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam. Đây cũng là vùng đất của chè Shan, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy vô cùng độc đáo.

Hiện nay, tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú và cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh. Những lá cờ cũ được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, như một món quà mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Thanh Minh