Đối thoại Shangri-La 'nóng' vấn đề Biển Đông
Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất khu vực châu Á đã chính thức bắt đầu trong ngày 3-6 tại Singapore, trong đó các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các hành động khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận năm nay.
Vấn đề Biển Đông được xem là tâm điểm trong Đối thoại Shangri-La,
diễn ra từ 3 đến 5/6 (Nguồn: Todayonline)
Đối thoại Shangri-La, được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, năm nay có sự tham dự của hơn 20 vị Bộ trưởng Quốc phòng các nước và dẫn đầu là người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter, Giám đốc IISS khu vực châu Á, ông Tim Huxley cho hay.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thời gian qua đã khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận. Sự việc còn khiến Mỹ, quốc gia tổ chức các cuộc tuần tra hàng hải gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực mà họ xem là tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
“Có rất nhiều đồn đoán về các bước tiến tiếp theo mà Trung Quốc có thể đưa ra trên Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở Hague đang xử lý vụ kiện mà Philippines đệ trình nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông” - ông Huxley cho hay.
Chuyên gia về an ninh châu Á William Choong của IISS trước đó, hôm 1/6, còn có bài viết trong đó nói rằng tại Đối thoại Shangri-La lần này, “việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông sẽ thu hút phần lớn nội dung tranh luận”.
Cũng ngày 1/6, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông còn được giới phân tích dự báo là sẽ khiến các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đẩy mạnh chi tiêu cho quốc phòng lên gần 25% so với năm 2015, lên mức 533 tỷ USD trong năm 2020, hãng phân tích quốc phòng HIS Jane’s đưa ra dự báo trong một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 2/6.
“Đến năm 2020, trung tâm trọng lực của chi tiêu ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ sang các thị trường đang trỗi dậy, đặc biệt là ở châu Á” - Paul Burton, Giám đốc HIS Jane’s, nhận định.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng là một mối quan ngại hàng đầu đối với các vị Bộ trưởng Quốc phòng của nhiều nước, và chắc chắn cũng là một tâm điểm trên bàn nghị sự tại Diễn đàn Shangri-La năm nay.
Hôm 1/6, Hội đồng Bảo an LHQ đã cực lực lên án các vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên và thúc giục chính phủ các nước trên thế giới đẩy mạnh các nỗ lực nhằm áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
Theo ông Huxley, mối quan ngại về “chủ nghĩa khủng bố thánh chiến”, đặc biệt là mối đe dọa từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan và các cá nhân ủng hộ các tổ chức trên ở khu vực Đông nam Á - vốn đã thề trung thành với tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - cũng là trọng tâm trong hội nghị lần này.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, một cựu tướng lĩnh quân đội từng tiến hành đảo chính cách đây 2 năm, đã khai mạc diễn đàn năm nay bằng một bài phát biểu quan trọng.
Diễn đàn Shangri-La cũng là một điểm đến để quan chức quốc phòng các nước có cuộc họp sau cánh cửa khép kín. Các lần hội nghị trước đây từng chứng kiến các tranh luận hết sức căng thẳng giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, lần này các dự đoán về điều tương tự cũng được đưa ra.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zhou Bu, thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói rằng bất đồng giữa hai cường quốc có thể khiến người ta tin rằng “một cuộc đấu đá giữa hai người khổng lồ là điều không thể tránh khỏi”. Tuy nhiên, ông nói rằng quan hệ Mỹ-Trung cũng có thể “hồi phục, một phần do mỗi bên không thể gánh nổi hậu quả của một cuộc xung đột hoặc đối đầu”.
Được biết Mỹ và Trung Quốc sẽ tham dự khoảng 90 cuộc đối thoại cùng 2 đường dây nóng để đảm bảo rằng mối quan hệ được giữ vững. Vào cuối tháng này, Trung Quốc cũng sẽ tham dự vào cuộc tập trận hải quân mang tên Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ tổ chức cùng 27 quốc gia khác, diễn ra tại bờ biển Hawaii và California.
Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, đây là lần thứ 2 ông dự Đối thoại Shangri-La trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm kỳ, trong khi dư luận thế giới quan ngại trước những phát biểu của ứng viên tổng thống Donald Trump sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của ông Obama.