Hàng hóa vào siêu thị: Ám ảnh 'hàng rào' chi phí, chiết khấu

Thanh Giang 04/06/2016 09:00

Mong muốn có một chỗ đứng ổn định cho sản phẩm tại các hệ thống siêu thị các nhà cung cấp phải “cắn răng” chịu đựng hàng loạt phí khác nhau, chiết khấu cao, “lót tay”… Đó được coi là rào cản, là gánh nặng đối với doanh nghiệp sản xuất. 

Hàng hóa vào siêu thị: Ám ảnh 'hàng rào' chi phí, chiết khấu

Gánh nặng chi phí

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất cho hay, muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị thì phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số…

Bà Lê Thị Thanh Lâm- Phó Tổng Sài Gòn Food than phiền, tổng mức chiết khấu hàng hóa vào siêu thị Việt Nam chỉ khoảng 10% nhưng đối với các nhà bán lẻ ngoài thì mức này dao động từ 10 - 30%. Ngoài việc o ép bằng chiết khấu cao, các kênh phân phối còn thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới buộc nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 - 30%, thời gian từ 10 - 30 ngày và mỗi năm thực hiện từ 1 - 3 lần. Chưa hết, nhiều loại phí còn được tăng định kỳ hoặc bất thường. Đơn cử, chiết khấu thương mại hàng năm của nhiều hệ thống siêu thị đều tăng từ 1 - 3%. “Trong thời buổi kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay lợi nhuận vài phần trăm đã thấy quý hóa lắm rồi. Vậy mà DN sản xuất liên tục rơi vào vòng xoáy chiết khấu rồi phí này phí kia”- bà Lâm bức xúc.

Tương tự, ông Trương Phú Chiến- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica than phiền: “Nhiều hệ thống o ép DN sản xuất đến ngạt thở. Hàng vào siêu thị chỉ mong huề vốn là mừng rồi”. Ông Trương Phú Chiến lý giải, tiền thuê quầy kệ ở siêu thị dao động từ 40 - 80 triệu đồng trong khi đó doanh thu chỉ khoảng 100 triệu. Bất cập về chi phí quầy kệ khi hàng vào siêu thị đưa doanh nghiệp vào thế ngao ngán. “Công ty chúng tôi đồng ý thuê quầy kệ ở một siêu thị với giá 1,2 tỷ đồng/năm. Nhưng đến năm 2016, siêu thị đòi tăng giá chóng mặt, với mức 2,2 tỷ đồng/năm. Bibica không chịu và lên tiếng, trường hợp siêu thị tăng giá quầy kệ Bibica sẽ rút hàng khỏi hệ thống”, vị này nói. Tìm hiểu từ thực tế khó khăn của nhà cung cấp sản phẩm, ông Phạm Ngọc Hưng- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM khẳng định, ngoài chiết khấu cao, giá quầy kệ đắt đỏ các nhà cung cấp còn phải bỏ ra nhiều khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị. Điển hình, muốn mở mã hàng trong một hệ thống siêu thị, bên cạnh khoản phí theo quy định, DN phải “lót tay” cho riêng nhân viên bộ phận này. Các công đoạn tiếp theo cũng phải lót tay. Ngay cả nhân viên nhập hàng hóa cũng buộc DN cung cấp áp dụng phương án tương tự nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại.

Hàng hóa vào siêu thị: Ám ảnh 'hàng rào' chi phí, chiết khấu - 1

Hàng sản xuất trong nước vẫn khó vào siêu thị. (Ảnh: S. Xanh).

Tiến đến tự xây dựng điểm bán hàng

Liên quan đến “cánh cửa hẹp” cho hàng Việt vào siêu thị, đa số nhà cung cấp cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống phân phối hiện đại quá ít nên các nhà cung cấp rơi vào tình trạng “khát khao” quầy kệ. Chính vì lẽ đó mà xảy ra tình trạng, một DN xin rút sản phẩm khỏi quầy thì hàng loạt DN khác xếp hàng chờ đợi được thế chân. Kết quả, xảy ra cơ chế xin - cho giữa nhà phân phối và nhà cung cấp. Nguyên nhân thứ hai, lỗi của nhà cung cấp vì rất muốn lấy thị trường nội địa, đặc biệt là kênh bán lẻ hiện đại để làm thương hiệu.

Hàng vào siêu thị phải chịu chiết khấu cao, giá quầy kệ tăng trở thành khó khăn, vướng mắc của tất cả DN sản xuất. Mong muốn không bị o ép, đồng thời tránh cơ chế xin - cho các nhà cung cấp đang tìm giải pháp tối ưu để đối phó. Hiện nhiều DN sản xuất tính đến chuyện liên kết để đàm phán chống tăng chiết khấu cao. Hoặc có DN tìm hướng liên kết với các nhà cung cấp mở điểm bán tránh sự phụ thuộc.

Bà Lê Thanh Lâm cho hay, ngay khi BigC đòi tăng chiết khấu đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, Câu lạc bộ DN cung cấp hàng thủy sản đã gửi công văn yêu cầu BigC không tăng, thậm chí cần phải giảm chiết khấu. Tiếng nói chung của DN cung cấp sản phẩm phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, theo DN khi bị ép giá bán trong điều kiện giá cả đầu vào tăng cao DN chủ động liên kết với nhau với mục đích nhích chút giá thành sản phẩm lên kiếm một vài đồng lợi nhuận. Trường hợp DN này tăng, DN kia không tăng nhà phân phối sẽ thắc mắc. Nói về hướng giải pháp tốt nhất tránh thụ đồng vào hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Trương Phú Chiến cho rằng, các nhà cung cấp nên liên kết với nhau để hình thành các điểm bán hàng tránh sự phụ thuộc vào kênh bán lẻ hiện đại. Bởi vì bán hàng với nhà phân phối thì nhà sản xuất hoàn toàn rơi vào thế yếu. Nhiều khi hợp đồng đưa về DN cung cấp chỉ biết chấp bút, hoàn toàn không được chủ động. Đại diện Công ty cổ phần Bibica thông tin, DN muốn bỏ “cái áo khoác” chật chội bằng cách chủ động điểm bán hàng. Hiện nay DN này có khoảng 950 điểm bán. Dự kiến, sẽ tăng lên hơn 1.000 trong năm 2016, đồng thời liên kết với các nhà cung cấp khác mở các điểm phân phối với nhiều sản phẩm khác nhau.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, nhà bán lẻ trong nước nên mở rộng đầu tư mạng lưới cũng như kênh phân phối, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Về phía nhà sản xuất cần tăng năng lực cạnh tranh bằng đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sản phẩm chất lượng cùng sự khác biệt đáp ưng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Ngày 3/6, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đã tổ chức buổi Hội thảo, chủ đề “Giải pháp cho thị trường bán lẻ hàng Việt phát triển bền vững”.

Theo thống kê, 25% tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam gồm các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, phần lớn thị phần đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... và họ đang không ngừng mở rộng quy mô. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường liên kết các nhà bán lẻ trong nước bằng nhiều phương thức linh hoạt, như hợp tác, liên doanh, nhượng quyền, tiếp tục cộng hưởng nguồn lực tài chính và năng lực quản trị, đồng thời đầu tư mở rộng thị trường, mạng lưới phân phối tự chủ cho các doanh nghiệp bán lẻ và nhà cung ứng nội địa.

L.Hồng

Thanh Giang