Kiến nghị dừng cổ phần hóa VFS: Mong muốn giữ lại biểu tượng điện ảnh Việt

Minh Quang- Minh Quân 04/06/2016 09:15

Cách đây ít lâu, tập thể các nghệ sĩ đã gửi đơn kiến nghị về giải pháp chấn hưng Cty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS). Ngày 31/5, đơn vị này đã có buổi họp xem xét cho ý kiến theo thẩm quyền để báo cáo Bộ VHTT&DL về nội dung bản kiến nghị. 

Kiến nghị dừng cổ phần hóa VFS: Mong muốn giữ lại biểu tượng điện ảnh Việt

Hãng phim Truyện Việt Nam.

Theo đó, các nghệ sĩ của VFS đã mạnh mẽ lên tiếng: Lịch sử của hãng phim tồn tại 60 năm qua đã bị coi bằng không trước mục tiêu cổ phần hóa (CPH) bằng được với giá rẻ mạt, bất chấp sự tổn thất về tinh thần của các thế hệ nghệ sĩ trong cả nước cũng như nguy cơ thất thoát nguồn tài sản lớn mà nhà nước đã giao quyền sử dụng cho hãng phim. Vì thế, các nghệ sĩ kiến nghị là hãy dừng ngay việc CPH Hãng phim Truyện Việt Nam.

Tiến trình cổ phần hóa thiếu minh bạch

Theo đó, vào ngày 23/5 có 9 nghệ sĩ bao gồm: NSND Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Nguyễn Đức Việt, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSƯT Đức Lưu, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, chủ nhiệm phim Lê Hồng Sơn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, hoạ sĩ - NSƯT Vũ Huy đã cùng ký vào bản kiến nghị gửi thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đề nghị dừng ngay việc CPH đối với VFS.

Tại buổi họp hôm 31/5, với sự tham gia của Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc, đại diện Đảng ủy, đại diện Ban chấp hành Công đoàn Trưởng phó các phòng- xưởng- ban, tổ giúp việc cổ phần hóa của VFS, đơn vị này đã tập trung giải quyết hai vấn đề kiến nghị mà các nghệ sĩ đã nêu trong đơn, đó là sự không minh bạch trong công tác cổ phần hóa VFS. Cùng với đó là những dấu hiệu của sự vội vã, thiếu thận trọng đối với một đợn vị đặc thù là VFS.

Cụ thể, bản kiến nghị cho rằng tiến trình cổ phần hoá VFS hiện nay đang tỏ ra không minh bạch, khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích CPH hãng phim và đặc biệt là mục đích của đơn vị đang giữ vai trò nhà đầu tư chiến lược vào hãng phim thực chất là gì? Bản kiến nghị cũng nêu rõ việc CPH VFS chưa từng được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị công nhân viên chức của Hãng. Chủ trương CPH VFS mới chỉ được công bố trên một tờ báo địa phương (báo Kinh tế & Đô thị).

Theo ông Lê Hồng Sơn- Phó phòng sản xuất Maketing, công ty Kiểm toán chưa hiểu rõ về giá trị điện ảnh, nó còn là giá trị trị tinh thần, giá trị của những người làm điện ảnh. Nếu nhà nước chưa có qui định thì mình cần làm kiến nghị về vấn đề này. Hãng cũng chưa bao giờ là đơn vị kinh doanh điện ảnh mà chỉ làm nhiệm vụ chính trị nên cần xem xét lại khi nói rằng Hãng kinh doanh thua lỗ. Còn theo đạo diễn- NSƯT Nguyễn Đức Việt: “Về giá trị doanh nghiệp, cần tách biệt giữa giá trị thương mại và giá trị thương hiệu. Việc xác định giá trị thương hiệu bằng không khiến các nghệ sĩ bị tổn thương và gây ra các bức xúc”. Theo đó ông Nguyễn Đức Việt đề nghị phải sửa đổi lại việc này.

Về dấu hiệu của sự vội vã, thiếu thận trọng đối với một đơn vị hoạt động đặc thù như VFS thì sau khi chủ trương CPH được công bố chính thức, thời hạn để giới thiệu và tiếp xúc và với các nhà đầu tư hết sức hạn hẹp. Đây là lý do khiến quá trình CPH của VFS chỉ hiện diện nhà đầu tư duy nhất. Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Bộ VHTT&DL có nói rằng thời gian CPH là 18 tháng, nhưng đến cuối tháng 12-2015 mới tổ chức đại hội cán bộ công nhân viên chức bất thường… Ông Vân cho hay, có một công ty với số vốn điều lệ 3.000 tỷ rất tha thiết trở thành nhà đầu tư chiến lược của VFS, nhưng do biết thông tin quá chậm. Ông Vân đã đề nghị trong một cuộc họp ở Bộ hãy lùi thời gian lựa chọn nhà thầu để có thêm một cơ hội nữa cho Hãng, nhưng Bộ không đồng ý.

Theo phân tích của các nghệ sĩ, lịch sử của một Hãng phim tồn tại 60 năm với những cống hiến của bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần hun đúc lòng yêu nước, yêu chế độ trong nhân dân, tạo nên dòng chủ lưu của Điện ảnh Cách mạng… đã bị coi bằng không trước mục tiêu CPH bằng được với giá rẻ mạt, bất chấp sự tổn thương về tinh thần của các thế hệ nghệ sĩ trong cả nước, cũng như nguy cơ thất thoát nguồn tài sản lớn mà Nhà nước đã giao quyền sử dụng cho Hãng phim.

Kiến nghị dừng cổ phần hóa VFS: Mong muốn giữ lại biểu tượng điện ảnh Việt - 1

Kiến nghị dừng cổ phần hóa VFS: Mong muốn giữ lại biểu tượng điện ảnh Việt - 2

Thư thỉnh cầu của một số nghệ sĩ.

Hãy giữ lại một biểu tượng điện ảnh

Về thông tin Bộ VHTT&DL công bố với truyền thông rằng hãng phim đang nợ 90 tỉ đồng, các nghệ sĩ nói rõ: “Đây là thông tin nhảm nhí, có chủ ý xúc phạm và hạ thấp giá trị thương hiệu của hãng phim”. Bởi thực tế hãng chỉ nợ tiền thuê đất (khoảng 4,5 tỉ đồng) và không có món nợ nào mới về sản xuất phim ngoài khoản vay không tính lãi từ nhiều năm trước (2 tỉ đồng). Vì vậy nói hãng phim nợ 90 tỉ là cách nói cố ý hạ nhục nghệ sĩ, làm nhiễu loạn thông tin trên công luận khiến xã hội hiểu lầm và kêu gọi sự đồng thuận với hành vi CPH vội vã với giá rẻ mạt”. Ông Nguyễn Đức Việt đề nghị Bộ VH-TT&DL phải có thông tin cải chính trên báo chí về sai lầm này.

Ngoài ra, một số nghệ sĩ của VFS cũng cho biết khi tiếp xúc với nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy - Vivaso), họ đã không thể trả lời được nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển hãng phim trong tương lai. Vì vậy mà trong bản kiến nghị, các nghệ sĩ nêu giải pháp trước mắt: tạm dừng việc CPH VFS với đối tác là Vivaso; thay giám đốc VFS hiện nay; cần tiếp xúc đầy đủ giữa nhiều thành phần, nhiều cơ quan hữu quan để trả lời câu hỏi: cổ phần hoá VFS để làm gì?; khi VFS có giám đốc mới, sẽ tạo đà cho tiến trình CPH minh bạch, công khai giá trị của hãng.

Tại phần cuối bản kiến nghị, các nghệ sĩ nêu ý kiến: “Quá trình CPH cần được công khai và có lộ trình, đủ để các nhà đầu tư nhìn thấy khả năng phát triển và giá trị thương mại của hãng phim trên cơ sở đất đai và nguồn nhân lực quý giá. Cũng trong lộ trình này, các nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của hãng đều phải trình được đề án phát triển và được phản biện công khai, thấu đáo bởi các chuyên gia trong ngành và các chuyên gia kinh tế, các luật sư”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của VFS vào ngày 31/5 do đạo diễn Vương Tuấn Đức- Giám đốc VFS chủ trì, ông Đức đã phản bác lại hầu hết các ý kiến tâm huyết nêu trong bản kiến nghị trên. Ông Đức cho rằng việc tạm dừng CPH Hãng phim đối với nhà đầu tư Tổng Công ty vận tải thủy là không có căn cứ pháp lý và đi ngược với chính sách. Ngoài ra, việc đề nghị thay người đứng đầu Hãng phim cũng không có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để thực hiện, vì việc bổ sung, bãi nhiễm hay miễn nhiệm người đứng đầu VFS thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ và Bộ VHTT&DL…

Bản kiến nghị về việc chấn hưng VFS của các nghệ sĩ công tác tại Hãng không nằm ngoài mong muốn giữ lại cho được một di sản điện ảnh, một biểu tượng điện ảnh cách mạng Việt Nam. Mà theo nhiều nghệ sĩ, đơn cử như ở nước Nga, xưởng phim Mosfilm đã được đặc cách giữ lại, không CPH, làm một biểu tượng của điện ảnh Nga. Vậy có thể xem xét làm điều này với VFS, vì đây là đơn vị do Bác Hồ ký quyết định thành lập và có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà. Trên thực tế, chủ trương CPH đang là yêu cầu cần thiết được đặt ra. Nhưng CPH như thế nào với một Hãng phim có bề dày lịch sử, một đơn vị nghệ thuật đặc thù như VFS là điều cần phải cân nhắc kỹ. Rõ ràng không phải vô cớ mà các nghệ sĩ gắn bó với VFS lâu năm cùng lên tiếng về vấn đề này.

Minh Quang- Minh Quân