Thanh Hoá: Nhiều giếng khoan nhiễm mặn bất thường
Hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) nhiều năm nay sử dụng giếng khoan để lấy nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Vậy nhưng, khoảng 4 năm trở lại đây, liên tục xuất hiện hàng chục chiếc giếng bị nhiễm mặn đến mức không thể sử dụng được. Chủ các hộ gia đình cũng như đại diện chính quyền địa phương đặt ra nghi ngờ, nguyên nhân dẫn tới việc nước ngầm nhiễm mặn là do doanh nghiệp nuôi tôm gây nên.
Người dân lo lắng khi phải sử dụng nguồn nước không an toàn.
Thiếu nước sinh hoạt
Chiếc giếng khoan của gia đình ông Hoàng Văn Thông (thôn 8, xã Quảng Thái) từ bao năm qua luôn cung cấp ổn định nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu rau màu trong vườn. Vậy nhưng, 4 năm gần đây nước bơm lên từ giếng này bắt đầu bị nhiễm mặn. Ông Thông dẫn chúng tôi ra giếng rồi cắm điện, bơm nước lên chiếc bể lọc. Nước chảy qua nhiều lớp cát rồi chảy thẳng vào chiếc chậu nhôm lớn. Tôi múc thử một vốc cho nước vào miệng, đúng là mặn thật. “Mặn. Rất mặn chú ạ! Nước bơm lên có vị mặn chát như muối. Không thể sử dụng vào bất cứ mục đích gì”- ông Thông nói.
Trước hiện tượng nước ngọt bị nhiễm mặn bất thường, năm 2012, ông Thông đầu tư 2,5 triệu đồng mua một máy lọc nước. Song chiếc máy này cũng trở nên vô tác dụng, không thể biến nước từ giếng khoan trở thành nguồn nước ngọt được. Không chỉ giếng của gia đình ông Thông, mà còn gần 29 hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, giếng khoan của hộ bà Trần Thị Phương (thôn 8, xã Quảng Thái) phải bỏ hoang suốt 4 năm qua. Bà Phương kể: “2 năm trước vì bức xúc về nước sinh hoạt quá, tôi quyết định bỏ tiền ra khoan chiếc giếng ở vị trí khác. Lúc đầu, nước ngọt bình thường, cả nhà thấy vậy rất mừng. Nhưng lạ thay, chỉ 20 ngày sau đó, nước hút lên từ chiếc giếng mới này cũng bị nhiễm mặn nặng”. Hai giếng khoan của gia đình bà Phương giờ đành bỏ hoang hoá, máy bơm hoen rỉ và hư hỏng gần như hoàn toàn.
Những hộ dân có giếng khoan bị nhiễm mặn ở Quảng Thái đành phải bỏ tiền mua nước đóng bình về sử dụng với giá 20.000 đồng/thùng 15 lít. Việc mua nước bình đắt đỏ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên đa phần các hộ phải mang xe chở theo can nhựa đi xin nước ở các xóm khác không bị nhiễm mặn mang về nấu ăn. Một số hộ khá giả hơn thì đầu tư vòi ống nối vào giếng khoan của các nhà ở cách xa vài trăm mét để xin nước về dùng.
Nhiễm mặn từ nước mặt
Điều khiến nhân dân ở Quảng Thái tỏ ra lo lắng là bởi, số lượng giếng khoan bị nhiễm mặn càng tăng cao. Đầu tiên chỉ xuất hiện ở thôn 8 nhưng đến nay, giếng khoan của bà con ở thôn 7 cũng bắt đầu bị “lây lan” nhiễm mặn. Sau khi có nhiều giếng khoan bị nhiễm mặn, bà con nhân dân xã Quảng Thái mới chợt nhớ ra rằng: “Kể từ khi có một doanh nghiệp về đây thuê đất, cải tạo, đào ao nuôi tôm được một thời gian thì xuất hiện những chiếc giếng khoan đầu tiên bị nhiễm nước mặn. Có thể, trong quá trình nuôi tôm, bạt dưới đáy ao của doanh nghiệp bị rách, nước mặn thẩm thấu xuống lòng đất rồi nhiễm vào nguồn nước ngọt”- ông Thông nói.
Hiện tượng lây lan nước mặn len lỏi vào mạch nước ngầm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vậy nên không chỉ những gia đình có giếng bị nhiễm mặn mà cả hàng trăm hộ dân khác, tuy nước giếng đang sử dụng tốt nhưng họ vẫn tỏ ra hoang mang không biết một ngày nào đó, giếng của gia đình mình cũng sẽ chẳng thể sử dụng được nữa. Về sự việc trên, ông Trần Phú Dũng - Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết: Xã đã thống kê, có hơn 30 hộ, tập trung chủ yếu ở hai thôn 7 và 8 đang phải hứng chịu tình cảnh nguồn nước sinh hoạt ngầm bị nhiễm mặn. Quảng Thái nằm gần biển, nhưng xưa nay địa phương chưa từng xảy ra hiện tượng xâm thực mặn do tự nhiên. Chỉ tới khi Công ty cổ phần Long Phú về đây triển khai dự án nuôi tôm trên cát vào năm 2003 với diện tích 13,2ha đất tại thôn 7 và thôn 8 thì mới xuất hiện nước ngầm bị nhiễm mặn.
Ông Trần Phú Dũng khẳng định: “Đã nhiều lần, UBND xã Quảng Thái trình vụ việc này lên các cấp thẩm quyền. Sau đó, Đoàn công tác của Sở TNMT Thanh Hoá, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh Thanh Hoá đã về địa phương ghi nhận thực tế. Cơ quan chức năng liên quan đã lấy mẫu nước đưa đi phân tích. Tuy nhiên, cho đến nay, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới nguồn nước ngầm trong xã bị nhiễm mặn vẫn chưa được công bố”. Chính ông Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cũng tỏ ra lo lắng. Ông Dũng bày tỏ quan điểm, mong các ngành chức năng vào cuộc, sớm tìm ra nguyên nhân dẫn tới nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn và đưa ra giải pháp xử lý, tạo sự ổn định trong sinh hoạt đối với người dân địa phương.