Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII: Hội tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới

P. Linh 04/06/2016 09:10

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi họp báo chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016. Chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bí thư tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng và GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. 

Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII: Hội tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới

Quang cảnh buổi họp báo.

“Gặp gỡ Việt Nam” được sáng lập bởi GS Trần Thanh Vân, nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học và giáo dục (từ năm 1993).

Thông tin từ buổi họp báo cho biết: Chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII sẽ được tổ chức tại Bình Định từ ngày 26/6 đến ngày 17/12. Dự kiến có khoảng 1.661 đại biểu tham gia 12 hội nghị và 3 lớp học vật lý chuyên ngành. Trong đó điểm nhấn trong “Gặp gỡ Việt Nam” năm nay là hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản”, diễn ra từ 7 đến 8-7 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Hội thảo quốc tế sẽ có sự hội tụ của một số giáo sư đoạt giải Nobel như: GS David J.Gross (Nobel Vật lý năm 2004); GS Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học năm 2002) - ĐH RTH Zurich (Thụy Sĩ) và Ella (Mỹ); GS Finn E.Kydland (Nobel Kinh tế năm 2004); GS Jerome I.Friedman (Nobel Vật lý năm 1990); GS Carlo Rubbia (Nobel Vật lý năm 1984) công tác tại Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu; GS Richard R.Schrock (Nobel Hóa học năm 2005); GS Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979) - ĐH Harvard; GS Francois Englert (Nobel Vật lý năm 2013).

Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn xây dựng và phát triển dựa trên KH&CN, như: Viện quốc tế Solvay và Tập đoàn Solvay (Brussels, Bỉ), Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN); Tập đoàn Airbus, Tập đoàn Valéo, Tập đoàn SANOFI (Pháp)…
Đồng thời có sự trở về của các giáo sư danh tiếng Việt Nam trên thế giới như: GS Ngô Bảo Châu - Huy chương Field Toán học năm 2010, ĐH Chicago (Mỹ); GS Đàm Thanh Sơn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ĐH Chicago, GS Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virgina, Mỹ), TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ)...

Mục đích của Hội nghị là đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt là các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của đất nước. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong nước tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: “Gặp gỡ Việt Nam” là chương trình hội tụ nhiều nhà khoa học thế giới tham dự ở tổ hợp khoa học, lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh phong trào startups, cần phải phát triển KHCN và ứng dụng. Với vai trò là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực khoa học tự nhiên có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành như Viễn thông, CNTT và Bưu chính… Bộ TT&TT sẽ đồng hành, đặc biệt là chỉ đạo tuyên truyền tương xứng với tầm vóc của sự kiện.

Lý giải về ý tưởng tổ chức Hội nghị về khoa học cơ bản và xã hội như là điểm nhấn của sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII, GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhận định: Khoa học cơ bản với các thành tựu của mình chính là nền tảng cho các ứng dụng cuộc sống như điện tử, laser, mạng Internet, lĩnh vực y tế di truyền học… Tất cả đều phải bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản”

Ông Chu Ngọc Anh- Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đồng tình nêu quan điểm: Khoa học cơ bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để đưa các ứng dụng vào cuộc sống. Việc rất nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia sự kiện năm nay là cơ hội để Việt Nam chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa các nghiên cứu khoa học cơ bản với giới công nghiệp”.

Đây cũng là cơ hội tương tác giữa các nhà khoa học cơ bản, các nhà lập chính sách và các tập đoàn; là cơ hội đối với Bình Định và tăng cường xúc tiến đầu tư của các Tập đoàn.

Trao đổi với báo giới, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Qua 3 lần tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” đã có trên 2.500 nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham dự. Sự kiện sắp tới dự kiến đón hơn 1.500 nhà khoa học và 14 nhà khoa học đạt giải Nobel đến dự. Bình Định mong muốn xây dựng Trung tâm ICISE là điểm đến của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

P. Linh