Nên nhìn nhận quà cho con như thế nào?

TS Nguyễn Thanh Tâm     Viện Nghiên cứu Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) 04/06/2016 20:12

Tại sao một ấn phẩm không đạt về mọi mặt như thế lại có thể được mua với giá trên trời, được các vị chức sắc, cao nhân lên tiếng bảo trợ, được in với số lượng lớn, được giới thiệu, ra mắt, giao lưu rầm rộ như thế?...

Cuốn sách Quà cho con.

Mấy ngày nay, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội câu chuyện về cuốn sách Quà cho con của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Nxb Hội Nhà văn ấn hành với 100 bài thơ vui, 100 kỹ năng sống cho trẻ em được công ty Tân Việt Book mua bản quyền với giá 500 triệu đồng đang gây sự chú ý đặc biệt.

Với tư cách một người nghiên cứu thơ, hiện đang làm việc tại Phòng Văn học Việt Nam đương đại, TS Nguyễn Thanh Tâm - Viện Văn học đã bày tỏ một vài suy nghĩ như sau:

Trước hết, tác giả Nguyễn Huy Hoàng là ai?

Nguyễn Huy Hoàng đang công tác tại Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, hiện là thư ký của Thứ trưởng Vương Duy Biên.

Nguyễn Huy Hoàng là một người viết mới, nghĩa là trước đó anh chưa từng công bố tác phẩm dưới dạng xuất bản.

Các tác phẩm của anh chủ yếu đăng tải trên trang cá nhân. Quà cho con là ấn phẩm đầu tay của anh.

Những người ủng hộ ấn phẩm của Nguyễn Huy Hoàng là ai?

Có thể thấy những ý kiến đánh giá về ưu điểm của cuốn sách được in trên bìa là của những nhân vật nổi tiếng, có đủ trình độ, năng lực để thẩm định tác phẩm.

Ý kiến của họ, theo tôi tập trung nhiều ở tác dụng giáo dục của những “bài thơ” - “kỹ năng sống” được viết trong cuốn sách.

Không có ý kiến nào bàn về giá trị nghệ thuật hay hình tượng, thủ pháp, chức năng thơ ca của các văn bản được gọi là thơ trong cuốn sách này.

Những người phản đối ấn phẩm của Nguyễn Huy Hoàng là ai?

Số lượng những người phản đối, phê phán cuốn sách này ngày càng đông.

Đây là hiệu ứng có thể lý giải dựa trên những lan toả của mạng xã hội.

Tuy nhiên, có thể thấy, phần lớn những ý kiến phản đối lại tập trung vào khía cạnh nghệ thuật. Nghĩa là họ cho rằng đây không phải là thơ, thậm chí còn không xứng là vần vè, ngây ngô, ngọng nghịu, buồn cười,…

Những ý kiến phản đối này, do vậy lại cũng có lý lẽ riêng không thể phủ nhận. Bởi lẽ, đã gọi là thơ, hẳn nhiên các văn bản trong Quà cho con phải mang phẩm tính của loại hình thơ.

Vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá về hiện tượng này như thế nào?

TS Nguyễn Thanh Tâm - Viện Nghiên cứu Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Về mặt hiệu quả kinh doanh

Nếu xem Quà cho con là một “thương phẩm”, thì việc nó được nhượng quyền sử dụng với giá 500 triệu đồng là một “thương vụ” rất tốt mà tác giả đã đạt được.

Bên mua đã căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá nửa tỉ cho ấn phấm Quà cho con? Có lẽ đó là câu hỏi cần được Tân Việt Book trả lời.

Người ta không thể không nghĩ đến các bên liên quan, những quyền lực trông thấy có thể chi phối đến thương thoả về giá cả, khiến cho cái giá 500 triệu không hẳn là dành cho cuốn sách và đây có thể không phải chỉ là một thương vụ.

Trong một phân tích khá cụ thể, báo Người lao động chỉ ra đây là một thương vụ khó hiểu.

Bởi lẽ, tính toán sau khi phát hành, bán hết sách thì Tân Việt Book vẫn bị lỗ? Tại sao họ lại bỏ ra nửa tỉ để đầu tư trong khi chắc chắn họ biết rằng không thể có lời từ vụ này?

Về mặt giá trị giáo dục

Những văn bản có tính chất phổ biến kiến thức, kỹ năng sống, về cơ bản đã đề cập đến các vấn đề mà gia đình, xã hội hiện nay đang quan tâm trong việc giáo dục con trẻ như: Cảm ơn, xin chào, chấp nhận gian khó, cố gắng vươn lên, học tập không ngừng,…
Vấn đề là, những nội dung giáo dục này được thể hiện như thế nào? Nếu chỉ là những bài học về kỹ năng sống, quả thực dân gian đã có nhiều kinh nghiệm rất hữu ích: Nhỏ không vin, lớn gãy cành// Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha// Cái răng, cái tóc là góc con người// Cá không ăn muối cá ươn/ Con không nghe cha mẹ trăm đường con hư// Đạo làm con chớ hững hờ/ Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm// Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần/ Chị ngã em nâng,…

Thực tế, những bài học kỹ năng sống trong ấn phẩm Quà cho con không mới, nhiều văn bản khá ngô nghê, và nhất là hình thức thể hiện lại kém xa lối nói của dân gian vốn mộc mạc, chân thành nhưng đầy ý nhị, sâu sắc.

Hãy so sánh một trường hợp trích từ Quà cho con của Nguyễn Huy Hoàng: Có người không học vẫn giầu/ Có người học mãi mà đầu chửa thông/ Vậy thì có cần học không/ Hay là cũng chỉ viển vông, hão huyền?/ Học, học, học… đó là quyền/ Cho ta thêm đẹp, nhiều duyên, thành tài/ Tinh thông, biết đúng, biết sai/ Tự tin, sống tốt, không ai coi thường (Việc học),…

Từ đó, có thể hiểu lý do vì sao nhiều người phản đối ấn phẩm của Nguyễn Huy Hoàng. Ngay cả phương diện giáo dục, kỹ năng sống, điều mà các nhân vật có tiếng đã nhận định trên các bìa hay trong buổi nói chuyện ngày 1/6/2016, ấn phẩm này cũng tỏ ra không có được chất lượng đủ sức thuyết phục.

Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà phê bình gọi đó là những văn bản ngô nghê, ngọng nghịu,...

Về giá trị nghệ thuật

Nếu xem đây là một “thi phẩm”, với các yêu cầu về thi tính - chất thơ, hình tượng, biểu tượng, ngôn từ gợi cảm, cách nói hàm ẩn, giàu nhịp điệu, nhạc tính, giàu cảm xúc,… hay như R.Jakobson nói là “chức năng thi ca” thì Quà cho con không phải là thơ. Những người phản đối ấn phẩm phần lớn đã căn cứ trên tiêu chí này.

Đa phần các comment trên mạng xã hội facebook đều cho rằng đây không phải là thơ. Họ có thể gọi là vè, thơ con cóc, hoặc gì nữa,… nhưng điều đó cho thấy đòi hỏi về mặt nội hàm của khái niệm thơ. Điều đó, theo tôi, Quà cho con không có.

Nghĩa là, ấn phẩm này không có các phẩm tính của một tập thơ. Nếu gọi ấn phẩm này là thơ, và lại được mua, được tung hô như thế, tôi e các nhà thơ chân chính sẽ mủi lòng lắm.

Bất kỳ hiện tượng xã hội nào cũng cần phải được nhìn nhận trong tính toàn thể của nó.

Quà cho con, trước hết là một hiện tượng xã hội, do vậy, nhìn nhận, đánh giá về nó cũng cần có cái nhìn toàn thể.

Dẫu như thế, điều mà người viết bài này “Đêm nằm nghĩ mãi không ra...” đó là: Tại sao một ấn phẩm không đạt về mọi mặt như thế lại có thể được mua với giá trên trời, được các vị chức sắc, cao nhân lên tiếng bảo trợ, được in với số lượng lớn, được giới thiệu, ra mắt, giao lưu rầm rộ như thế?...

TS Nguyễn Thanh Tâm     Viện Nghiên cứu Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)