Nguyễn Ái Quốc và những người cùng thời

Nguyễn Đức Thành Vĩnh 05/06/2016 00:05

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn và ngày 15/7/1911 đến cảng Le Havre nước Pháp. Còn Phan Chu Trinh rời Sài Gòn ngày 1/4/1911 và đến Pháp vào ngày 27/4 cùng năm, ngụ tại Paris.

Từ bên trái sang: Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh.

Paris năm 1922

Tất cả các tài liệu sử học ngày nay tìm thấy đều chứng minh cho một cuộc gặp gỡ lịch sử mà trong “Ký ức của cụ Lê Thanh Cảnh” (đã in trong nhiều tuyển tập khác nhau) gọi là cuộc gặp của “năm nhân vật lỗi lạc trên chính trường”. Đó là một bữa cơm chiều tại khách sạn Montparnasse, có khoảng chục người Việt Nam, 5 nhân vật lỗi lạc bao gồm: Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Sến và Nguyễn Ái Quốc.

Bữa tiệc ấy đã diễn ra một cuộc tranh luận được cụ Lê Thanh Cảnh tường thuật lại và đặt cho nó một tựa đề, mà sau này các nhà nghiên cứu cho rằng, cái tựa ấy không phải chỉ dành cho những người có mặt trong bữa cơm ở khách sạn Montparnasse- mà cho cả dân tộc Việt Nam: “Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam”.

Cũng phải nói thêm về lập trường chính trị vào thời điểm ấy của “năm nhân vật lỗi lạc”. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh chủ trương “Lao tư cộng tác, ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Kỹ sư Cao Văn Sến đường lối đấu tranh gần như cụ Phan và thiên về Đảng Lập hiến Đông Dương của cụ Bùi Quang Chiêu. Cụ Phạm Quỳnh chủ trương Quân chủ lập hiến. Còn cụ Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương: Trực trị và kịch liệt phản đối quan lại Nam Triều mà cụ cho rằng không còn tin tưởng được nữa.

Trong bài viết của Lê Thanh Cảnh, có tường thuật cuộc tranh luận một cách chi tiết:

“Cụ Phan mở đầu bằng ý kiến:

-Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây mà tôi nhận thấy anh chủ trương cách mệnh triệt để, quá táo bạo nên không thể theo anh được. Và anh Quốc cũng không chấp nhận đường lối của tôi. Gần đây (tuy) có tìm đủ cách để dung hòa nhưng tôi thấy còn khó.

Nguyễn Ái Quốc, tiếp lời cụ Phan:

-Sở dĩ tôi chủ trương cách mệnh triệt để là xưa nay, muốn giành độc lập cho Tổ quốc và dân tộc không thể nào ngửa tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh- như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng Búa Rìu”.

Người thứ ba nói ngay sau đó là Nguyễn Văn Vĩnh:

-Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ tan rã và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt. Hết phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Chiến khu Yên Thế của Đề Thám ở Bắc rồi đến vụ chống thuế ở miền Trung, rồi đến Thiên Địa hội và phong trào Cần Vương ở Trung… trước sau đều bị tan rã… Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn vất vưởng sống ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo, Ban Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc mới là thậm nguy! Tôi không muốn khóc anh Quốc bị (thủ) tiêu mà khuyên anh khôn khéo chèo chống cho qua cơn sóng gió hãi hùng, cẩn trọng hoài bão, chí khí và nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Hiện nay, khó mà có được người can trường đanh sắt như anh.

Sở dĩ tôi theo lập trường Trực trị (administration directe) là kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Cứ “Trực trị” cái đã, sau khi được khai hóa theo đã tiến bộ thì tức khắc dân chúng có sức mạnh mà trỗi đầu lên. Nói (là) “trực trị” (nhưng) chẳng khi nào chịu giao nước cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay.

Người thứ 4 được mời bày tỏ “lập trường” của mình là nhà báo Phạm Quỳnh:

-Chủ thuyết của tôi hoài bão là “quân chủ lập hiến”. Nói đến quân chủ phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào nhìn 2 nước Anh và Nhật. Với nền quân chủ họ đã văn minh tột bậc và làm chủ hơn các nền dân chủ cộng hòa khác nhiều lắm. Họ có đứng vào hàng đàn anh trên toàn cầu. Đây tôi chủ trương là quân chủ lập hiến. Vua chẳng có quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người thừa hành bản hiến pháp mà chính nhân dân soạn thảo và quyết định. Chớ như (theo) chế độ cộng hòa hay dân chủ, thì sợ mỗi khi sau 4 năm thay đổi Tổng thống thì thay đổi tất cả, làm cho guồng máy hành chính trong nước phải bị xáo trộn trầm trọng”- (dẫn theo Phan Chu Trinh Toàn Tập).

Với cụ Phan Chu Trinh

Trong thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã có những cuộc gặp gỡ với cụ Phan Chu Trinh tại Pháp từ rất sớm. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn và ngày 15/7/1911 đến cảng Le Havre nước Pháp. Còn Phan Chu Trinh rời Sài Gòn ngày 1/4/1911 và đến Pháp vào ngày 27/4 cùng năm, ngụ tại Paris.

Khoảng những năm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nguyễn Tất Thành đã viết nhiều bức thư cho cụ Phan Chu Trinh khi đó đang ở Pháp, chàng thanh niên yêu nước gọi cụ Phan là bác xưng cháu và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về vật chất của cụ Phan Chu Trinh cùng với lời giới thiệu với các nhân vật ở Paris lúc ấy.

Năm 1919, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và một người Việt Nam yêu nước khác ở Paris quyết định thảo bản “Yêu sách” của nhân dân Việt Nam để gửi tới các nước thắng trận dự Hội nghị Versailles. Lúc đó, nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Tiến sĩ Luật học Phan Văn Trường đã là những người có tiếng tăm ở Paris, còn chàng trai Nguyễn Tất Thành ít người biết đến.

Nhưng nhóm người Việt yêu nước này đã nhất trí để anh Nguyễn thay mặt họ đứng tên trong bản “Yêu sách” với danh xưng Nguyễn Ái Quốc. Và, ngày 18/6/1919, qua báo L’Humanité và Journal du peuple, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện trên trường chính trị Paris với tư cách “Đại diện cho nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp”.

Và trong khoảng những năm từ 1922 đến 1925, nhà ái quốc Phan Chu Trinh và chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc ấy đã viết cho nhau rất nhiều thư. Trong lá thư viết ngày 28/2/1922, từ Marseille viết thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc ở Paris để tranh luận về phương pháp cứu nước, cụ Phan Chu Trinh đã viết: “Mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp “ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” (nằm ở nước ngoài chiêu hiền nạp sĩ, đợi thời cơ về nước hoạt động) của anh. Thực tình, từ trước tới nay tôi chẳng bao giờ khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là khác”.

Tháng 6/1925, cụ Phan Chu Trinh về nước. Trong thời gian tĩnh dưỡng tại Sài Gòn trước khi qua đời 1926, cụ Phan có gặp lại cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cuốn “Phan Châu Trinh, thân thế và sự nghiệp” (NXB Trẻ, 2002) có viết là trước khi mất, cụ Phan Châu Trinh có trăng trối lại với những người bạn: “Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc”.

Với cụ Phạm Quỳnh

Nói về mối quan hệ Nguyễn Ái Quốc - Phạm Quỳnh, theo nhiều nguồn sử liệu thì, đứng về tuổi tác, Phạm Quỳnh kém tuổi Nguyễn Ái Quốc. Nho giáo- mà Phạm Quỳnh coi trọng, khẳng định: “Trưởng nhất tuế vi huynh” (lớn hơn một tuổi là anh). Hơn nữa Phạm Quỳnh không lạ gì “anh Quốc” qua gia đình thân thế và những hoạt động của anh Quốc ở Pháp, cảm kích về tấm gương học tập, lao động và đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc.

Về phần Nguyễn Ái Quốc cho đến năm 1922 đã biết Phạm Quỳnh tuy là làm việc cho Tây nhưng trên mặt trận văn hóa nhằm “mở mắt, mở tai” cho nhân dân (ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm tạp chí Nam Phong- tờ tạp chí rất có uy tín được coi như một “từ điển bách khoa”, có công không nhỏ trong việc “nâng cao dân trí” đào tạo nhân tài cho đất nước…

Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc với Phạm Quỳnh tại Paris năm 1922 (học giả Phạm Quỳnh đi Pháp dự hội Đấu xảo thuộc địa tổ chức tại Marseille) không phải chỉ có một bữa cơm ở khách sạn Montparnasse. Nhà văn Sơn Tùng trong một tài liệu dẫn theo hồi ký của cụ Đào Nhật Vinh (quê Trực Ninh, Nam Định. Năm 1913, Đào Nhật Vinh cùng làm việc trên tàu Viễn Dương với Văn Ba- Nguyễn Tất Thành từ Le Havre, hải cảng ở Bắc Pháp quốc), thì còn một bữa ăn nữa được gọi là “Bữa ăn Bắc, thết khách Bắc” do chính Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị để mời Phạm Quỳnh.

Bữa này không có sự tham dự của cụ Phan Chu Trinh do đang ở xa. Trong cuốn Nhật ký của cụ Phạm Quỳnh có ghi ngắn gọn: “Juillet, 13, Jeudi: ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins). Sự việc này, cũng được ông viết lại trong “Pháp du hành trình nhật ký” đăng trên tạp chí Nam Phong. Còn theo nhà văn Sơn Tùng, thì cụ Đào Nhật Vinh kể:

“Đầu tháng 7/1922, tôi không còn nhớ chính xác là ngày nào, tôi trong hội chợ cùng với anh bạn đi ra phố thấy đằng phía trước ông Nguyễn Ái Quốc cùng ông Phạm Quỳnh đang sóng bước chốc chốc ghé đầu vào nhau có lẽ đang nói thầm… Ông Nguyễn dặn nhỏ với tôi: thứ năm tuần tới, ngày 13/7, Vinh đến “cụ nghè Đông Ngạc” nhé. Đến sơm sớm, đó…Tức là tôi đến số 6 Villa des Gobelins, cụ nghè Đông Ngạc là tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường. Cách nói lóng này chỉ một số trong nhóm chúng tôi biết. Tôi đến sớm để làm “bữa cơm Bắc, thết khách Bắc”. Tôi vừa làm bếp vừa tự hỏi không biết vị khách quý nào đến mà cụ nghè Tây (Phan Văn Trường) và Nguyễn Ái Quốc thết đãi, cụ Phan Châu Trinh bị cảm mạo nên không về Paris được. Hơn 8 giờ thấy ông Phạm Quỳnh tới. Ông Nguyễn Ái Quốc đợi ở cửa và đưa dẫn ông Phạm Quỳnh vào phòng. Tôi đem khay trà lên phòng mời khách. Chỉ có ba vị trong phòng thôi. Và ba vị đàm đạo tới 11 giờ, tôi cũng vừa sửa soạn xong bữa, mất công nhiều là món lòng lợn, rau thơm gia vị tầm cho ra được các thứ ấy không dễ. Có thịt gà luộc, canh chua, cá rán, thiếu rau muống luộc, cà pháo, tương Bần. Tôi được dự đồng bàn, đồng bữa với ba vị và hầu chuyện. Trong bữa ăn các vị không nói chuyện thời cuộc mà nói nhiều về phong hóa của nước nhà, tục lệ từng miền- và giữa bữa ăn tối được ông Phạm Quỳnh khen: bữa cơm Việt món nào cũng ngon, đượm vị hương quan. Nhất là món lòng lợn, đặc biệt là món dồi.

Cụ Phan Văn Trường, ông Nguyễn Ái Quốc gật gù tương đắc”.

Yêu nước theo cách của mình

Như vậy, có thể thấy rất rõ hình ảnh Nguyễn Ái Quốc những năm đầu đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh chung và mối liên hệ với những trí thức lớn của đất nước thời đó. Họ giống nhau ở tinh thần duy tân, ở lòng yêu nước, thương dân và chí lớn muốn tìm “một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam”. Những cuộc tranh luận của họ thời ấy cho thấy sự khác biệt về cách cứu nước, cứu dân, nhưng cùng xuất phát từ một động cơ giống nhau. Dễ hiểu trong sự khác biệt, họ cùng yêu nước theo cách riêng của mình, nên kính trọng và khâm phục nhau.

Bữa cơm lịch sử năm 1922 diễn ra khi Nguyễn Ái Quốc đã đi hơn 10 năm khắp các châu lục, đã tán thành Quốc tế Cộng sản và đã đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Cuộc tranh luận trong bữa cơm ở khách sạn Montparnasse, theo ký ức của Lê Thanh Cảnh- Nguyễn Ái Quốc cũng không trình bày giải thích gì nhiều, khiêm tốn lắng nghe các chính kiến.

Lúc đó đã thấy tầm nhìn và tư tưởng của Người, trong khi vẫn giữ vững chủ kiến của mình nhưng vẫn đoàn kết với mọi lực lượng yêu nước. Người kính trọng Phan Chu Trinh, quý mến và trân trọng các học giả cùng thời như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…

Nguyễn Ái Quốc không “lớn tiếng” phản đối chính kiến khác, của những bậc cha chú và các trí thức lớn cùng thời mà “gộp” tất cả lại tìm ra cái tốt nhất, phù hợp nhất rồi lấy hành động thực tế để trả lời.

Nguyễn Đức Thành Vĩnh