Đối thoại Shangri-La: Vấn đề Biển Đông nóng bỏng đến phút chót
Bất chấp lời cảnh báo từ Ngoại trưởng Mỹ rằng việc có ý định thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là hành động “khiêu khích và gây bất ổn”, phía Trung Quốc vẫn tố ngược Mỹ có hành động “khiêu khích” trên Biển Đông và tuyên bố rằng họ không ngại “rắc rối” liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 5/6 (Nguồn: Reuters).
Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 5/6 nhân chuyến công du Mông Cổ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, chính quyền Washington sẽ coi việc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích và gây bất ổn”. Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng và sẽ đặt ra hoài nghi về cam kết của Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp ngoại giao.
“Chúng tôi coi việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông là hành động khiêu khích và gây bất ổn, khiến căng thẳng gia tăng; và dấy lên câu hỏi về cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng biện pháp ngoại giao” - ông Kerry nói.
Giới chức Mỹ từ lâu đã thể hiện rõ quan ngại rằng phán quyết của Tòa án trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, như họ đã từng làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Tờ South China Morning Post trước đó dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Trung Quốc có thể sắp lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, tùy thuộc vào “mức độ đe dọa” mà Bắc Kinh đánh giá.
Vấn đề Biển Đông cũng là vấn đề cực kỳ nóng hổi dù Đối thoại Shangri-La - Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất tại khu vực châu Á được tổ chức tại Singpaore - đi đến vòng họp cuối cùng trong ngày 5/6, trong đó đại diện phái đoàn Trung Quốc đưa ra tuyên bố cứng rắn và mang tính thách thức.
“Vấn đề Biển Đông trở nên quá nóng bỏng như hiện nay là do các hành động khiêu khích của một số quốc gia, vì những lợi ích của chính họ” - Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói tại đối thoại Shangri-La.
Tuyên bố của ông Tôn, trong đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn mong muốn giải quyết hòa bình, được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo rằng việc Trung Quốc xây dựng cải tạo trên một hòn đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền sẽ phải đối mặt với “các hành động” từ phía Mỹ và các quốc gia khác.
Các cuộc đối thoại trong vòng họp cuối cùng dường như trở nên nóng bỏng hơn trong bối cảnh Tòa án Trọng tài thường trực tại Hague sắp sửa đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trong một vài tuần tới; trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận bất kỳ phán quyết nào.
Ngoài ra, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trong một tuyên bố ám chỉ Mỹ, nói rằng các cuộc tuần tra phục vụ “tự do hàng hải” trên Biển Đông là hành động phô trương “cơ bắp quân sự” và rằng Trung Quốc đang bị ép buộc phải “chấp nhận và tôn trọng” phán xét của Tòa án Trọng tài thường trực.
Trung Quốc “không ngại rắc rối”
“Trung Quốc cực lực phản đối thái độ như vậy. Chúng tôi không gây rối nhưng cũng không ngại rắc rối” - ông Tôn nói trong bài phát biểu của mình tại Shangri-La hôm 5/6.
Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã rời Singapore trước thời điểm mà ông Tôn phát biểu. Trong một diễn đàn mở, ông Tôn còn phản bác phát ngôn của ông Carter hôm 4/6, cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng một “Vạn lý trường thành tự cô lập” bằng quá trình tăng cường hiện diện quân sự trên các vùng biển tranh chấp.
“Chúng tôi chưa từng bị cô lập trong quá khứ. Và chúng tôi sẽ không bị cô lập trong tương lai. Thực ra tôi lo ngại rằng một số người và một số quốc gia đang coi Trung Quốc là có tư tưởng Chiến tranh Lạnh và định kiến” - Ông Tôn trả lời câu hỏi từ một số phái đoàn khác.
Ám chỉ Philippines, ông Tôn nói rằng Trung Quốc không phải là kẻ bắt nạt và cáo buộc rằng “một số quốc gia bá chủ đã trao quyền lực cho các nước nhỏ để họ đưa ra các hành động khiêu khích lại các nước lớn”. Trong khi đó, tờ South China Morning Post cũng đưa tin rằng, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một đồn trú trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với phía Philippines.
Về phần mình, chính quyền Manila cáo buộc Trung Quốc đã kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough từ năm 2012, cho tàu tuần tra xung quanh và xua đuổi tàu cá của ngư dân Philippines.
Chính quyền Washington hiện nay không nêu rõ rằng, họ sẽ có “hành động” gì để đối phó với Trung Quốc, mà chỉ đưa ra một đề nghị hợp tác an ninh song phương chặt chẽ hơn với chính quyền Bắc Kinh nhằm giảm rủi ro xảy ra một cuộc đối đầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, trong ngày cuối của đối thoại Shangri-La, cho hay Liên minh châu Âu (EU) cũng có trách nhiệm duy trì tự do tuyến hàng hải ở Biển Đông và nói rằng ông sẽ thảo luận với các đối tác về vấn đề này.