Vì sao người dân chưa mặn mà với bảo hiểm y tế?
Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh góp phần ổn định xã hội với phương châm số đông bù cho số ít. Tuy nhiên chúng ta chưa hướng được đến mục tiêu BHYT toàn dân. Ngoài việc chính sách còn chưa hấp dẫn đối với người dân, còn phân biệt giữa khám bằng BHYT với dịch vụ trong khám chữa bệnh thì nỗi lo thất thoát quỹ đang là một trong những rào cản khiến tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp. Ông Trần Ngọc Vinh- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với ĐĐK về vấn đề
Ông Trần Ngọc Vinh.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, người dân không mặn mà với BHYT vì chỉ được thuốc bình thường, không được thuốc tốt. Vì thế cần những chính sách đặc biệt mới nâng cao, đạt tỷ lệ đề ra cũng như thu hút được người tham gia. Đặc biệt cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm việc doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nợ đọng trốn đóng BHYT, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
PV:Thưa ông, hiện BHYT của chúng ta chưa bao phủ toàn dân, trong khi một số nước tỷ lệ này gần như là tuyệt đối với hơn 99%. Bên cạnh đó, tiền bảo hiểm chủ yếu vẫn do chủ sử dụng lao động đóng, còn người dân tự nguyện tham gia vẫn còn khiêm tốn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Trần Ngọc Vinh: Hiện nay một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động tính yếu tố lợi nhuận là cao nhất, người lao động chủ yếu quan tâm đến lương còn không quan tâm đến vấn đề BHXH cũng như BHYT. Chỉ đến khi ốm đau nằm viện mới thấy BHYT là rất quan trọng. Doanh nghiệp hay chủ sử dụng lao động thường đóng cho người lao động ở mức thấp nhất. Đến khi về hưu hay nghỉ thai sản người lao động nhận được rất ít và lúc đó họ mới “tá hỏa”.
Hiện người dân không mặn mà với BHYT lắm vì chỉ được thuốc bình thường, không được thuốc tốt. Chưa kể tình trạng thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi đi khám chữa bệnh, còn phân biệt giữa khám dịch vụ với khám bằng thẻ BHYT. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều nơi, hay việc mua BHYT theo hộ gia đình còn nhiều khó khăn.
Theo tôi nguyên nhân là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, và người sử dụng lao động. Nhưng nói chung phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương, làm sao để người có thẻ BHYT được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao nhất, thái độ phục vụ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Cho nên cần phải xem lại chính sách như thế nào, ví dụ nếu người dân tham gia BHYT thì khi khám chữa bệnh họ được hưởng thuốc gì? Khám chữa bệnh nào? Còn các bệnh khác phải đóng tiền thì cũng cần quy định rõ. Nói chung, cần công bố cho người dân biết xem là nếu tham gia BHYT thì được hưởng những gì trong khám chữa bệnh thì người dân mới tham gia, còn cứ mập mờ là không được.
Vậy làm sao để giám sát được việc người sử dụng lao động trốn đóng BHYT cho người lao động?
-Luật đã quy định đóng bao nhiêu phần trăm tiền BHYT, BHXH. Phải theo thực thu của người lao động chứ không phải đóng theo lương cơ bản, bởi hiện chủ yếu đóng theo lương cơ bản để trốn phần kia. Như vậy đỡ phần trăm cho doanh nghiệp nhưng lại thiệt thòi lớn cho người lao động. Do trình độ của người lao động có hạn nên chủ sử dụng lợi dụng vào đấy để gây thiệt thòi cho người lao động.
Vì vậy cần thanh kiểm tra để yêu cầu các nơi đóng đúng với mức nhà nước quy định. Bên cạnh đó phải đưa vào luật xử lý nặng những nơi không đóng BHXH, BHYT cho người lao động thì mới nghiêm được. Chỉ khi có việc nằm viện ốm đau mới thấy được là quan trọng. Cho nên cần nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Hiện có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại tiền đóng BHYT bị thất thoát? Ông nghĩ sao?
-Giữa BHXH và các cơ quan y tế hai nơi này phải kiểm tra chặt chẽ. Cần rà soát xem trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể đổ tại cho người dân. Tất cả là do cơ chế chứ dân biết gì đâu. Khi người dân bị bệnh vào khám mới biết được chế độ như thế lúc đó thì kêu ai được.
Nhìn chung, về vấn đề này cần nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan, cũng như chính quyền địa phương. Không thể để xảy ra việc rồi mới bắt đầu tìm hướng khắc phục. Điều tôi muốn nói là tất cả cơ quan nhà nước hoạt động là nhờ tiền đóng thuế của dân cho nên phải làm cho nghiêm chỉnh.
Theo ông để mục tiêu BHYT hướng đến mức bao phủ toàn dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội thì chúng ta cần phải có những giải pháp nào?
-Để người dân tham gia BHYT cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đặc biệt là tuyến cơ sở. Ngoài việc tiếp tục chú trọng tuyên truyền cho người dân hiểu sẽ có lợi khi ốm đau nằm viện thì tiến hành rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đóng BHYT, tránh hiện tượng trốn đóng cho người lao động.
Nhưng quan trọng là phải làm sao nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường trách nhiệm đạo đức của đội ngũ y bác sĩ để người dân không thấy bị phân biệt đối xử khi đi khám chữa bệnh giữa dịch vụ và sử dụng thẻ BHYT.
Trân trọng cảm ơn ông!