Các cơ quan báo chí học tập Nghị quyết Đại hội XII
Ngày 6/6, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng dành cho lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các cơ quan báo chí, xuất bản, hội nhà báo thuộc 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (6 và 7/6) với sự tham gia của 250 đại biểu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương có một vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh, tình hình mới.
Ông Phuông bày tỏ mong muốn, bằng việc lắng nghe, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua và phương hướng phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ giúp cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản cập nhật, nắm bắt kịp thời những vấn đề mới đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để vận dụng vào định hướng đúng đắn hoạt động tuyên truyền, báo chí, xuất bản của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. (Ảnh: Hồng Phúc).
Tại Hội nghị, GS.TS Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khi báo cáo tổng kết việc thự hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa IX) đã chỉ ra một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Trong đó, GS Nghĩa nhấn mạnh nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới là rất to lớn, nặng nề và đầy khó khăn, gian khổ. Điều này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi Đảng với nâng tầm lãnh đạo của mình lên cao hơn nữa.
Trong số những biểu hiện rất cấp bách được chỉ ra, bao gồm tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, kèm theo sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.
Hơn 250 đại biểu đến từ 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về dự, học tập, quán triệt nghị quyết. (Ảnh: Hồng Phúc).
Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), những hạn chế, khiếm khuyết vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết trước nhu cầu bảo đảm an toàn xã hội, phúc lợi xã hội của người dân ngày càng cao.
Trong đó, nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.
Dự báo nhiều chỉ tiêu, tiêu chí của nước ta để cơ bản trở thành nước công nghiệp đến năm 2020 theo hướng hiện đại sẽ không đạt được.
Cụ thể, đến năm 2020 dự kiến có 10/15 chỉ tiêu không đạt tiêu chí các nước công nghiệp; GDP bình quan đầu người đạt 3.200 – 3.500 USD theo giá thực tế (tiêu chí nước công nghiệp năm 2010 đã phải trên 5.000 USD); tỷ trọng đô thị hóa đạt 38 - 40% (tiêu chí nước công nghiệp là trên 50%); tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch dưới 92% (theo tiêu chí phải đạt 100%).
GS.TS Lê Hữu Nghĩa cũng đặt ra những lo ngại trước sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội, internet và bằng các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, kích động biểu tình,… rất tinh vi, thâm độc nhằm gieo rắc hoang mang, hoài nghi, phân tâm trong nội bộ; âm mưu làm cho nội bộ cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trao đổi bên lề Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).
Trong bối cảnh, tình hình phức tạp như vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa IX) của Đảng đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng thực trạng tình hình.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa cho biết, thời gian qua các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tổ chức rà soát, chỉ đạo chính quyền tập trung giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện và những đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đã tồn đọng, kéo dài nhiều năm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cũng theo GS Nghĩa, dù đã đạt được một số các kết quả bước đầu, tuy nhiên cũng còn những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Trong đó, phải thừa nhận việc xem xét, xử lý đối với một số trường hợp vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm; một số vụ việc nổi cộm, phức tạp, gây bức xúc trong Đảng, trong xã hội giải quyết còn chậm so với yêu cầu.
Tại Hội nghị, các lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt của các cơ quan báo chí, xuất bản cũng đã được học tập, quán triệt các nội dung về những nội dung cơ bản của báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016 – 2020;…
Trên cơ sở nội dung chuyên đề được giới thiệu, Hội nghị dành thời gian thảo luận, trao đổi, tập trung vào nội dụng các đánh giá, dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội,…
Các đại biểu cũng đưa ra phân tích sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung liên quan đến lĩnh vực báo chí, xuất bản để lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí, xuất bản thống nhất cao về ý chí, hành động trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – Võ Văn Phuông cho biết, sau Hội nghị lần này cũng sẽ tổ chức Hội nghị học tập, quán triệu Nghị quyết Đại hội XII cùa Đảng dành cho các lãnh đạo Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật và đội ngũ trí thức (8, 9/6); lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ (10, 11/6).