Nhiều người dân chưa được hưởng trợ giúp pháp lý
Ngày 6/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.
Theo kết quả khảo sát tại 9 tỉnh bằng những cuộc thảo luận, phỏng vấn sâu cho thấy, có 64,5% người dân được hỏi là người chưa được trợ giúp pháp lý thì có 35,31% người đã nghe đến trợ giúp pháp lý và các hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhưng vẫn còn 28,2% số người được hỏi chưa được biết hoặc không nhớ đã được biết về hoạt động trợ giúp pháp lý. Đáng chú ý không ít người dân quan niệm rằng, họ không tin vào dịch vụ trợ giúp pháp lý vì theo cách họ hiểu những gì “miễn phí” thường có chất lượng thấp hơn những gì phải trả tiền.
Thực tế nhu cầu trợ giúp pháp lý là rất lớn. Chẳng hạn ở Cao Bằng số người được hưởng quyền trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 80% dân số, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hay ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 75% dân số toàn tỉnh trong đó tập trung chủ yếu ở dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công với cách mạng. Ở các tỉnh khác như Đắk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Cần Thơ cũng có tình trạng tương tự, với 50.300 hộ nghèo, khoảng 32.000 hộ cận nghèo, 11.500 người có công với cách mạng, 600 người già cô đơn không nơi nương tựa. Tuy nhiên số người dân được trợ giúp pháp lý còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 15% số người được quyền trợ giúp pháp lý.
Theo bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, nhận thức của người dân ở các vùng khảo sát về pháp luật nói chung và trợ giúp pháp lý nói riêng còn thấp. Nhiều người dân chưa thể tự tìm kiếm cho mình một sự bảo vệ, giúp đỡ nào cho những vướng mắc pháp luật của mình.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, chỉ có người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thực sự mới đến nhờ cậy trợ giúp pháp lý, vì thế không nên hạn chế đối tượng mà bất cứ ai gặp phải khó khăn không thể có tiền để thuê dịch vụ, cần đến trợ giúp pháp lý miễn phí thì có thể giúp đỡ. Một số ý kiến đề nghị nên mở rộng hình thức tư vấn miễn phí đến tất cả đối tượng người dân có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng đối tượng là trẻ em dưới 18 tuổi được trợ giúp pháp lý, không bị hạn chế là người bị buộc tội hay người bị hại.