Áp dụng thuế tự vệ với bột ngọt

H.Hương 08/06/2016 11:00

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc giải quyết khiếu nại áp dụng thuế tự vệ đối với bột ngọt. Theo đó cơ quan này vẫn quyết áp dụng thuế tự vệ đối với bột ngọt để bảo hộ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Sự việc được bắt đầu ngày 14/3 , khi Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 920 về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra chính thức, biện pháp tự vệ toàn cầu được áp dụng với mức thuế tuyệt đối là 4.390.999 đồng/tấn, nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước khắc phục được thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu gây ra.

Theo quy định tại điều 7.4 về thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ của WTO, thời gian biểu cho việc nới lỏng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt nhập khẩu sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm với mức thuế tuyệt đối áp dụng giảm 10% qua mỗi năm nhằm đảm bảo ngành sản xuất trong nước có đủ thời gian để khắc phục thiệt hại nghiêm trọng đang gặp phải.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam có số lượng lần lượt là 18.143 tấn (tăng trên 102% so với năm trước đó), 43.935 tấn (tăng trên 142%) và 58.446 tấn (tăng 33%).

Ngày 9/6/2015 Bộ Công thương nhận được Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam của đại diện Ngành sản xuất trong nước trong đó có Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đứng đơn và Công ty TNHH Miwon ủng hộ vụ việc.

Được biết Công ty Vedan Việt Nam có cung cấp bột ngọt cho một số công ty trong nước để sản xuất bột nêm. Song sau đó, một số công ty này đã tìm được nguồn bột ngọt giá rẻ từ Trung Quốc.

Và sau khi áp thuế này, Bộ Công thương ngay lập tức đã nhận được đơn khiếu nại của công ty CJ Chiel Jedang và các Công ty nhập khẩu mặt hàng bột ngọt. Trong đó Công ty công ty CJ Chiel Jedang khẳng định sản phẩm bột ngọt của CJ không bán lẻ cho người tiêu dùng mà được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước nên không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ cho tất cả các mặt hàng bột ngọt nhập khẩu và không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, giá cả, nguyên nhân và bối cảnh chung của thị trường là không công bằng cho CJ và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của CJ. Bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam. Bột ngọt nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam trong những năm qua liên tục giảm nên không ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam.

Công ty CJ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương hủy quyết định 920/QĐ - BCT, không áp dụng biện pháp tự vệ mà thay vào đó áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Không những thế, 3 công ty nhập khẩu khác là Công ty Uniben, Tân Minh Thông, interfood cũng đưa ra lý lẽ: Quyết định tăng thuế để bảo vệ các công ty sản xuất trong nước là đi ngược lại với cam kết hội nhập kinh tế thế giới và người tiêu dùng là người thiệt hại cuối cùng.

Thế nhưng, trả lời những khiếu nại của doanh nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO, biện pháp tự vệ toàn cầu sẽ được áp dụng cho tất cả các quốc gia chiếm trên 3% tổng lượng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Do lượng nhập khẩu bột ngọt từ Indonesia vào Việt Nam chiếm trên 12,4% trong năm 2014 nên Inddonesia nằm trong danh sách các quốc gia/ vùng lãnh thổ là đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với bột ngọt. Bộ Công thương khẳng định cơ quan điều tra đã xác định vấn đề cẩn trọng và hợp lý theo đúng quy định pháp luật

Và trên cơ sở đã điều tra Bộ Công thương tiếp tục giữ nguyên quan điểm: Không hủy bỏ quyết định số 920/ Q Đ- BTC ngày 10/3/2016 của Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này các công ty có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật việt Nam.

H.Hương