Tinh thần phục vụ
Dù biểu dương Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng vẫn không quên yêu cầu chuyện giảm bớt giấy tờ, tăng giao dịch qua mạng bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công thật tốt, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục với các cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, nhanh chóng với thời gian rút ngắn để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất- kinh doanh.
Ảnh minh họa.
Câu chuyện ấy lại một lần nữa được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu lên trong cuộc làm việc với Bộ Nội vụ mới đây. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải xây dựng nhà nước trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh từ khâu khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh đến sản xuất bằng cách xoá bỏ rào cản, thủ tục rườm rà, giấy phép con”.
Điều này không mới nhưng nhiều năm trở lại đây cứ được nhắc đi, nhắc lại mãi. Ấy ấy có lẽ là bởi cái “tinh thần phục vụ” chưa thấm sâu tới số đông công bộc, dù đã được nhắc nhở rất nhiều.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 4 vừa qua, phát biểu tại cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong khi nhắc nhở DN “hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu, chúng ta không cứu được mình thì ai cứu?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đến việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập hợp rà soát và công bố công khai những điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện này và kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp, nghiêm cấm ban hành những luật, nghị định gây khó khăn cho DN.
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc trong cuộc đối thoại kể trên đã đưa ra một nhận xét khi cho rằng, một trong những vấn đề khiến DN bức xúc nhất hiện nay là rủi ro về chi phí thủ tục hành chính. Ông Chủ tịch VCCI đánh giá, các DN Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Riêng các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) đang ở mức cao so với các nước láng giềng.
Không cao mới là lạ với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, một rừng điều kiện như thế mà chậm công bố đầy đủ về điều kiện của từng ngành nghề thì có khác nào thủ tục hành dân. Cũng vì lẽ đó mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng khi nói đến thu tục hành chính đã nhắc nhiều đến chuyền loại bỏ “quyền anh, quyền tôi” trong việc cấp phép và quản lý kinh doanh.
Đương nhiên, chuyện cấm - quản trong kinh doanh; những khó khăn để đột phá rào cản thủ tục là rất quan trọng nhưng kinh doanh xét ra cũng chỉ mới là một phần của bức tranh xã hội muôn màu.
DN có cơ hội đối thoại với cơ quan công quyền; với những nhà lãnh đạo Chính phủ kể như có may mắn được nói lên tiếng nói của mình; được “kêu” về những khó khăn với các vị lãnh đạo; có nghĩa cũng sẽ còn hy vọng, ngày một ngày hai có thể giải quyết được chuyện này. Nhưng người dân thì sao? Nếu họ không thể kêu cùng ai? Tinh thần phục vụ chính là ở chỗ này.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây, Bộ Nội vụ đã có báo cáo cho biết, “Việc triển khai thực hiện xác định Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương cũng tạo nhiều chuyển biến” dù chuyển biến cụ thể thế nào có còn để dân kêu nữa hay không, cái này còn phải chờ thời gian. Nếu việc này mà làm tốt sẽ tạo ra động lực góp phần cảnh báo các cơ quan nhà nước về thái độ phục vụ, khi người dân không hài lòng, cơ quan hành chính nhà nước phải nhìn lại chính mình.
Dù biểu dương Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng vẫn không quên yêu cầu chuyện giảm bớt giấy tờ, tăng giao dịch qua mạng bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công thật tốt, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục với các cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, nhanh chóng với thời gian rút ngắn để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất- kinh doanh.
Muốn thế, giữa các bộ với nhau cần tránh tình trạng quyền anh, quyền tôi giành phần lợi về cho mình. Bây giờ phải phân định cho rõ nhiệm vụ giữa Văn phòng Chính phủ thế nào, Bộ Nội vụ thế nào, Bộ Tư pháp thế nào, rồi các bộ khác ra sao. Những vấn đề này phải đánh giá quyết liệt để xây dựng Nhà nước phục vụ nhân dân, Nhà nước trong sạch.
Vì vậy, mọi chỉ số, quy định đều công khai minh bạch; nói gọn lại là phải thuận lợi nhất, xoá bỏ rào cản, thủ tục rườm rà, giấy phép con- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Mà mọi rào cản thủ tục lại do con người nghĩ ra hay do con người dựng nên; thế thì, yếu tố con người chắc chắn phải là quan trọng nhất. vì thế, “ai là người xứng đáng tham gia vào bộ máy hành chính phải thể hiện được khả năng thực sự chứ không phải chạy chọt, không phải luồn lách, không phải xin xỏ, không phải lợi dụng quen biết…”.
Những điều Phó Thủ tướng nói là hoàn toàn chính xác nhưng không dễ để thực hiện nếu người đứng đầu trong công tác tuyển dụng thiếu chút công tâm và thừa chút tư lợi. Chuyện công bằng minh bạch trong tuyển dụng sẽ thật khó nói. Rồi tuyển dụng vào bằng tiền thế thì người ta lại kiếm tiền để bù đắp cho phần chênh lệch bỏ ra để kiếm việc- chuyện ấy lại thành vòng luẩn quẩn, rất khó giải quyết! Vì thế, đúng là chỉ có cách minh bạch mới giải quyết được tận gốc mọi tiêu cực.
Nếu cán bộ nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác, bị dân kêu ca phàn nàn nhiều hay được dân cho điểm kém thì cần phải loại khỏi cơ quan Nhà nước. Và, cơ quan tổ chức định kỳ nên công khai việc đó trước dân mới khiến dân lấy lại niềm tin chứ cứ làm việc theo kiểu nhất thân, nhì quen sẽ rất khó minh bạch hóa dù có kêu gọi, có đặt ra mục tiêu này nọ.
Bên cạnh đó, cũng nên sử dụng “cây gậy” giảm biên đúng lúc, đúng chỗ thì cán bộ mới phục, mới ngại. Đó cũng chính là một cách để cải cách hành chính hiệu quả; mới mong đem lại một tinh thần phục vụ thật sự nơi các công bộc của dân.