Nghiên cứu, tìm đối tác nước ngoài đầu tư vào vùng Tây Nguyên
Sáng ngày 8/6, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2016-2019 do ông Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Tham dự còn có lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã thông tin khái quát một số tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Cụ thể, trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp GDP từ 71,4% năm 2001 xuống còn 43% năm 2015.
Hiện nay, Tây Nguyên có 577.800 ha cà phê, 259.531 ha cao su, 53.533 ha tiêu, 23.814 ha chè, 76.516 ha điều và nhiều loại nông sản, trái cây, rau, hoa xuất khẩucó giá trị khác. Tuy nhiện, phần lớn nông sản của các tỉnh Tây Nguyên đều xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng còn thấp… Nhìn chung diện mạo kinh tế, xã hội đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay.
Xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có 1 huyện (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 80 xã được UBND các tỉnh quyết định đạt chuẩn nông thôn mới và 15 xã đã cơ bản đạt 19 tiêu chí đang hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, nguồn vốn trực tiếp đầu tư cho Chương trình toàn vùng dự kiến là 386,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 318,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 68,2 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm nhằm mục đích để các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài nằm bắt, hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Thông qua đó, các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài làm cầu nối phát huy phổ biến, thông tin đến cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Tây Nguyên, đồng thời, nghiên cứu, gắn kết tìm các đối tác tại từng vùng, từng địa bàn của các nước để kêu gọi đầu tư, hợp tác khai thác các thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su…