Đi tìm tác phẩm mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới
Nhằm giúp công chúng, giới mỹ thuật và xã hội có cái nhìn khái quát, toàn diện về đời sống mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) vừa khởi động dự án Triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016)”. Trong đó, thay vì đợi tác giả mang tranh đến trưng bày, các giám tuyển đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc để chọn tác phẩm.
Bức Những con ngựa trong mưa - Họa sỹ Hứa Thanh Bình..
Tránh đi theo lối mòn
Dự kiến Triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016)” sẽ khai mạc vào ngày 21/9/2016, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với sự tham gia của 52 nghệ sỹ. Trong đó, để tránh phải đi theo “lối mòn”, BTC triển lãm là các giám tuyển của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã lên một danh sách để cử với sự góp mặt của hầu hết “tinh anh” trong giới Mỹ thuật Việt Nam.
Sau đó, thay vì ngồi một chỗ, Hội đồng nghệ thuật và các giám tuyển đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, đến từng họa sỹ, nhà điêu khắc để trao đổi về tác giả, tác phẩm, quá trình sáng tác và hoạt động nghệ thuật cũng như các vấn đề xung quanh công tác tổ chức triển lãm. Gần đây nhất, nhóm giám tuyển Triển lãm đã tiến hành chuyến làm việc đầu tiên với 13 họa sỹ, nhà điêu khắc tại TP Hồ Chí Minh như: Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Quân, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường… và được các nghệ sỹ đã đánh giá sự cao đổi mới trong công tác tổ chức triển lãm.
Có thể thấy, với cách làm mới này dù chưa có những kết quả cụ thể nhưng bên cạnh sự hưởng ứng của các nghệ sĩ không thể phủ nhận đây là hướng đi mới trong việc cải thiện công tác tổ chức các triển lãm mỹ thuật hiện nay.
Thực tế, việc tổ chức các triển lãm trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm điêu khắc toàn quốc hay các triển lãm cấp khu vực vẫn luôn là những câu chuyện tranh cãi ngay trong giới mỹ thuật.
Đơn cử, dù là sự kiện có quy mô toàn quốc nhưng như hầu như các cuộc triển lãm chỉ thực sự “đông vui” trong ngày khai mạc. Hầu như các ngày sau đó dù BTC có nỗ lực tổ chức rất nhiều hoạt động bên lề thì gần như chỉ lác đác vài người trong nghề đến tham gia. Đặc biệt có một sự thật là dù cuộc sống phát triển nhưng đại đa số người dân vẫn khá hờ hững với các cuộc triển lãm được tổ chức.
Trong đó, ở góc độ chuyên môn, họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Khi mỹ thuật Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong những năm trở lại đây đang bị thị trường hóa. Nhiều tác phẩm vẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua, tạo nên những làn sóng sáng tác tác phẩm theo một đề tài hoặc một số lối vẽ ăn khách.
Chưa kể, dù đã ít được quan tâm nhưng việc vi phạm bản quyền tác giả trong mỹ thuật hiện này đang trở nên trầm trọng. Hiện tượng tranh giả, tranh nhái phát triển như nấm sau mưa, các họa sĩ nổi tiếng như Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… đều bị làm giả để bán ra thị trường nước ngoài kể cả đấu giá quốc tế…
Động thái tích cực
Nhận định việc bố cục, trình bày tác phẩm chưa đạt hiệu quả tại nhiều triển lãm, theo Nhà Phê bình mỹ thuật – Họa sĩ Bùi Thị Thanh Mai, trong một số trường hợp, xét bố cục từng tác phẩm có thể ổn nhưng nhìn toàn bộ của bố cục tổng thể triển lãm lại chưa tốt. Việc trưng bày thiếu điểm nhấn, dẫn dắt câu chuyện như vậy sẽ thiếu sự nhất quán và đóng góp xứng đáng thể hiện nội dung đề tài.
Trong đó, nguyên nhân khách quan là điều kiện về không gian, ánh sáng phòng trưng bày ở Việt Nam nhiều khi có những hạn chế do chưa có phòng trưng bày chuyên nghiệp cho từng dự án, triển lãm mỹ thuật.
Có thể nói với những điểm yếu mà các nhà chuyên môn đưa ra đang làm nhiều nhà quản lý phải trăn trở. Tuy nhiên, phần những người làm nghệ thuật có thể yên tâm với việc trực tiếp nhận diện các tác phẩm thông qua việc tuyển chọn trực tiếp tại Triển lãm “Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 – 2016)” sẽ một động thái tích cực trong công tác tổ chức.
Đồng thời, với việc “làm sạch” triển lãm đã và đang được kỳ vòng là một cuộc phô diễn về sức mạnh của giới tạo hình Việt Nam trong 30 năm đổi mới.