Ngày thi đầu tiên vào lớp 10 Hà Nội: Thí sinh thở phào
Ngày 8/6, hơn 75.000 thí sinh Hà Nội đã bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2016-2017. Theo đánh giá của nhiều thí sinh và giáo viên, ngày đầu kỳ thi năm nay diễn ra an toàn nghiêm túc, đề thi không quá khó đối với các thí sinh. Trong ngày 9 và 10/6, thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục thi môn điều kiện Ngoại ngữ và môn chuyên.
Thí sinh sau buổi thi.
Trong ngày 9 và 10/6, các thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục thi môn điều kiện Ngoại ngữ và môn chuyên.
Đưa trách nhiệm của giới trẻ vào đề thi Ngữ văn
Trong đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay có sự thay đổi về cách thức ra đề, đó là câu hỏi mở được Sở GD&ĐT đưa lên phần I, thay vì thường để ở cuối bài như mọi năm.
Câu hỏi mở này cũng được nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá là tương đối “khó nhằn” với HS có lực học trung bình trở xuống. Câu hỏi trích văn bản trong bài “Phong cách Hồ Chí Minh”: Sau khi nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà có viết: …
“Nhưng điều kỳ lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”…
Ngoài những câu hỏi về kiến thức từ đoạn văn, đề thi có thêm phần hỏi mở: “Qua đoạn văn trên, các thí sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Cô giáo Nguyễn Kim Thanh, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Hoàn Kiếm – Tân Trào nhận định: “Với đề thi này, tôi thấy rằng với những HS khá giỏi sẽ dễ dàng đạt được 7, 8 điểm, thậm chí là 9 điểm, nhưng những HS trung bình sẽ khó”.
Tuy nhiên khi trao đổi với một số thí sinh về đề thi Ngữ văn năm nay, các em đa phần cho rằng đề thi tương đối dễ. Nhiều thí sinh còn khẳng định đã “trúng tủ”, kể cả câu hỏi mở trên.
Thí sinh Dương Minh Hiếu (THCS Trưng Nhị), đăng ký vào THPT Việt Đức và THPT Trần Nhân Tông chia sẻ: Đề thi vào lớp 10 năm nay đều nằm trong kiến thức đã học. Tùy vào cách trình bày, tư duy của từng bạn thì thấy khó dễ khác nhau, nhưng em thấy đề thi bình thường. Em làm được khoảng trên 70%. Với đề Văn có câu hỏi về trách nhiệm của giới trẻ hiện nay để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc em thấy rất hay.
Trong bài thi của mình, Hiếu cho biết đã giải thích các biểu hiện của giới trẻ về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nêu ý nghĩa và những biểu hiện sai để nhắc nhở bản thân. Những điểm mà em cho cần thiết là phát huy hình thức truyền thống dân tộc như tuồng, chèo, cải lương; không xả rác bừa bãi các nơi công cộng; ý thức về lịch sử…
Đề thi phân loại được học sinh
Nhận định chung về đề thi năm nay của nhiều giáo viên và thí sinh sau khi kết thúc ngày thi đầu vào các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đa phần đều là tương đối dễ, phân loại tốt thí sinh.
Chị Đỗ Thu Hà, phụ huynh thí sinh Ngô Hà Chi lớp 9A, THCS Tây Sơn chia sẻ: Sau khi thi xong hai môn, con chị cho biết làm được trên 80% môn Văn và khoảng 90% cho môn Toán. Hai mẹ con chị nhận định rằng, đề ra trong khả năng của các em HS.
Với đề thi Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Kim Thanh tiếp tục trao đổi: Trong đề thi, phần II đạt 6 điểm tập trung khai thác kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa nên các em có thể dễ dàng đạt được. Còn câu hỏi I là câu hỏi mở nêu trách nhiệm của thế hệ trẻ sẽ giúp phân loại thí sinh khá, giỏi.
“Theo tôi nghĩ, ở trong bài cũng đã nói rất rõ về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu các em chú ý sẽ làm được tốt. Phong cách của Bác là luôn giữ bản sắc dân tộc nhưng vẫn tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất của tất cả các nước, đó là cái chính mà đoạn văn ca ngợi về Bác. Sau đó là sự cao cả trong tâm hồn của Bác, tâm hồn của con người Việt Nam thanh cao. Đề này đưa ra nhằm hướng HS hiểu rằng, hội nhập thì cần vẫn giữ bản sắc của con người và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nhưng cũng phải biết tiếp thu chọn lọc cái mới…” – cô giáo Thanh nói.
Một giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Đan Phượng cũng cho hay: Văn học gắn với xã hội, là tư duy của mỗi con người, nhận thức của mỗi con người. Có thể đề thi này nhiều em chưa có khả năng “với tới”, bởi vì cần phải có chiều sâu, rộng.
Nói về việc đảo ngược thứ tự ra đề khác với mọi năm, một phụ huynh HS có con thi tại trường THPT Trần Phú chia sẻ: Đề thi thay đổi có thể khiến các em lúng túng. Bởi vì câu khó lại là câu đầu tiên, còn câu dễ là câu ở dưới.
Về điều này, cô giáo Nguyễn Kim Thanh cho rằng: Cấu trúc đề thay đổi nhưng không ảnh hưởng. HS đọc ban đầu có thể hơi hoang mang nhưng rồi cũng sẽ nhận ra.
Còn về môn Toán, nhiều thí sinh đã không giấu nổi niềm vui khi hoàn thành bài thi của mình. Thí sinh lê Lâm Hồng Linh, THCS Lê Ngọc Hân cho biết: Đề thi Toán khá dễ với bọn em, nhiều bạn có thể đạt 9, 10 điểm.
Đề thi môn Toán được các thí sinh cho rằng đa phần nằm trong chương trình lớp 9. Với một số em phần thi về Hình học chiếm khá nhiều thời gian, do khó hơn các câu khác.