Những ai dễ bị viêm loét dạ dày?
Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh khá phổ biến, ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Bệnh có thể gây chảy máu, thủng dạ dày, ung thư. Vậy liệu có phải những người hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, ăn nhiều thức ăn cay nóng, căng thẳng thần kinh…dễ bị viêm loét dạ dày?
Hầu hết các vết loét ở dạ dày đều do nhiễm loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori. Dịch tiết của dạ dày chủ yếu là chất acid có thể gây loét khi tiết ra số lượng nhiều sẽ gây bỏng ở niêm mạc dạ dày. Ổ loét xảy ra khi dạ dày người bệnh sản sinh ra quá nhiều acid hoặc khi niêm mạc dạ dày đã sẵn bị tổn thương do nguyên nhân cơ học.
Cảnh giác với những cơn đau
Đau ở vùng thượng vị là triệu chứng hay gặp nhất ở người bệnh. Người bệnh đau thường liên quan tới bữa ăn từ 30 phút đến 2 giờ, đau có thể xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng, có khi chỉ biểu hiện bằng cồn cào, ăn vào là dịu đi. Tính chất cơn đau thường gặp là: đau xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải. Cơn đau còn có tính chu kỳ: Đau khoảng từ 2 - 8 tuần, dù không điều trị gì thì đau cũng giảm, sau đó sẽ có đợt đau tái phát. Nhiều bệnh nhân thấy ợ chua, nóng rát vùng thượng vị hoặc sút cân không rõ nguyên nhân.
Theo các bác sĩ, ngoài đau thì các triệu chứng gây rối loạn tiêu hóa như đầy hơi chướng bụng, trung tiện, phân có khi nát có khi lỏng. Trong những trường hợp loét dạ dày lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu, bụng ậm ạch khó chịu, nhiều khi phải móc họng nôn ra mới thấy thoải mái. Vì vậy người bị loét dạ dày – hành tá tràng lâu năm thường gầy, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, đặc biệt có biến chứng thường bị xuất huyết tá tràng.
Những người có lối sống không điều độ, ăn nhiều chất cay, chua, ăn uống không đúng giờ, uống rượu, bia nhiều, hút thuốc lào, thuốc lá, uống nước chè đặc, làm việc căng thẳng kéo dài, thức đêm quá nhiều, người hay lo lắng, sợ hãi và bị stress quá mạnh hoặc stress nhẹ nhưng diễn ra trong thời gian dài...rất dễ bị viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, sự căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể làm nặng hơn một vết loét có sẵn. Loét dạ dày còn do sử dụng các thuốc kháng viêm trong thời gian dài. Các thuốc kháng viêm dễ gây loét dạ dày là: Aspirin, ibuprofen, naproxen, ketoprofen, dexa, prednisolon…
Trên thực tế, có khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh nhập viện vì các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc nội soi kiểm tra mới phát hiện bệnh. Theo các bác sĩ, ở những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nặng có các triệu chứng là: Nôn ra máu; nôn ra thức ăn từ những ngày trước; cảm thấy lạnh run; người yếu bất thường hoặc chóng mặt; đi ngoài có máu trong phân, máu có thể làm cho phân có màu đen giống bã cà phê; buồn nôn liên tục hoặc nôn mửa hay tái diễn; đau dữ dội, đột ngột ở thượng vị; giảm cân; dù đã uống thuốc chống loét nhưng vẫn không hết đau…
Người viêm loét dạ dày mạn tính rất dễ thiếu các loại vitamin và khoáng chất do khả năng hấp thu và tiêu hóa kém. Do đó nên ăn nhiều loại rau màu đỏ, vàng hoặc màu xanh đậm như cà rốt, bí đỏ, cải xanh, bắp cải...vì đây là những thực phẩm rất giàu vitamin A, B, C, E, D, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê góp phần nhanh chóng làm lành vết loét. Tuy nhiên, một số loại như cà chua hay ớt chuông thì không nên dùng vì mặc dù hàm lượng vitamin cao nhưng chúng rất dễ gây đầy hơi và khó chịu.
Phòng bệnh thế nào?
Với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì những bệnh nhân hút thuốc và uống rượu điều quan trọng là phải ngưng hút thuốc và uống rượu vì chúng gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày rất nặng.
Loét dạ dày không những làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà đáng lo ngại bệnh còn có thể gây ung thư. Vì vậy mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đã bị loét dạ dày cần tích cực phòng tránh viêm loét dạ dày bằng các biện pháp: Ăn uống lành mạnh và điều độ, nên ăn nhiều bữa trong một ngày, ăn thường xuyên hơn khi đang bị đau do loét dạ dày.
Kinh nghiệm các bác sĩ khuyên người bệnh là nên ăn các loại đồ ngọt như đường, bánh ngọt, mật ong... và chất béo như dầu thực vật như dầu vừng, dầu đậu nành... vì chúng giúp giảm tiết acid dịch vị. Hạn chế mỡ động vật vì chúng rất khó tiêu. Không tự ý dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen, diclofenac... Hạn chế uống cà phê, nước chè đặc, rượu bia. Tránh ăn các thức ăn cay nóng như tiêu, ớt.
Đặc biệt, không ăn các thức ăn có vị chua như canh chua, dưa cà muối chua, các loại rau quả chua như chanh, sấu,… Không uống các loại nước có ga. Hạn chế ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh làm việc nặng trước và ngay sau bữa ăn. Không nên thức khuya. Tránh mọi căng thẳng về thể chất và tinh thần...
Theo DS Lê Hằng, tuyệt đối không nên để dạ dày quá đói cũng như không nên ăn quá no. Nếu quá đói, lượng acid tiết ra nhiều, acid tác động vào vết viêm loét làm tăng các triệu chứng đau nóng, ợ chua, buồn nôn; nhất là khi loét hành tá tràng. Nếu quá no, dạ dày giãn to cũng kích thích tiết nhiều acid. Hơn nữa thức ăn, đặc biệt là các thức ăn xơ cứng sẽ trà xát vào vết loét làm cơn đau tăng lên. Tốt nhất bệnh nhân nên ăn uống điều độ, đúng giờ, nên chia nhỏ các bữa ăn để dạ dày có thức ăn trung hòa acid và không nên ăn quá khuya.
Khoa học hiện đại nên giờ nội soi dạ dày có thể chẩn đoán viêm, loét dạ dày – tá tràng. Ngoài việc xác định được vị trí tổn thương, tình trạng tổn thương… thì trong những trường hợp nghi ngờ bệnh ác tính có thể sinh thiết để tìm tế bào lạ nhằm sớm có phác đồ điều trị.