Rong ruổi đời du mục

Đoàn Xá 09/06/2016 20:00

Cùng đàn gia súc, họ đi khắp các cánh rừng, triền núi trải dài trên thảo nguyên mênh mông này. Họ đi từ mùa khô qua mùa mưa, từ bình minh tới hoàng hôn. Từ lúc còn là những đứa trẻ mục đồng cho tới khi bàn chân nứt nẻ vì cát nóng. Ngày tiếp nối ngày, những người chăn thả đó cứ mải miết rong ruổi như những du mục trên thảo nguyên. Họ, những nông dân nhỏ bé đó đã cùng với đàn gia súc của mình biến vùng đất Ninh Thuận khô cằn thành một “vương quốc” của những đàn dê cừu trù phú.

Mục đồng trên lưng cừu

Đây là vùng chăn thả cừu, dê lớn nhất ở Việt Nam với số lượng hàng trăm ngàn con. Dọc những đồi cát trắng mênh mông ở Bắc Ái, Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Phước… người ta dễ dàng bắt gặp những đàn cừu, dê, bò hàng trăm con của nông dân ở đây. Từ lâu, họ đã được gọi là những du mục lang thang trên thảo nguyên vì cuộc sống của nhiều gia đình luôn rất tạm bợ, nay đây mai đó, bất định vô chừng. Đặc biệt, do nghèo khổ, không cố định nên hầu hết những đứa trẻ sống đời du mục này đều thất học. Chúng nhận mặt cừu, mặt dê nhanh hơn mặt chữ.

Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị Chô Thi, một người Chăm chăn cừu ở vùng núi Tà Vum rộng lớn của xã Phước Trung (huyện Bác Ái) cho biết: Nhà ở mãi bên Phước Dân (huyện Ninh Phước) nhưng từ mùa khô năm ngoái, cả gia đình đã theo đàn đi khắp nơi rồi. Chỉ có chưa đến 50 con cừu nhưng chăn tự nhiên nên rất vất vả. Theo đó, cứ chọn những khu nào nhiều đồng cỏ là cả nhà, gồm hai vợ chồng và ba đứa con lại dựng lều, bằng vài thân cây nhỏ gộp lại, lợp tạm mấy tấm pờrôximăng là ở.

Nhưng quan trọng nhất với người du mục vẫn là khu neo đàn, bên cạnh những chiếc lều tạm bợ đó. Mau thì nửa tháng, chậm có khi hai, ba tháng mới dời lều đi nơi khác. Còn đồ ăn thức uống thì tiện đâu mua đấy. Nếu không thì chỉ là đồ khô, mắm muối hay gạo mang theo. Quan trọng nhất với đời người du mục chính là cỏ, nguồn thức ăn cho đàn gia súc chứ đồ ăn của gia đình, qua loa kiểu gì cũng xong.

Nhìn vội vào căn lều tạm bợ là chỗ trú chân của 5 nhân khẩu nhà người đàn bà hơn ba mươi nhưng nhìn lam lũ, già nhăn nheo như trái mướp cuối mùa kia, chúng tôi không khỏi ái ngại. Chỉ có tấm mền cũ màu đỏ, mấy cái xoong nồi vứt chỏng chơ, vài bộ quần áo cũ xỉn treo khắp vách…

Sau lều, Chô Lan, cô chị cả đang nhặt phân cừu khô cho vào bao tải cạnh hai đứa em ngồi vọc cát chơi đùa. Chô Lan năm nay đã 14 tuổi, nhưng nhìn em chỉ như cô bé lên mười. Đen nhẻm và tóc ngắn, quần áo xộc xệch. Lan cười, hồi nhỏ em cũng được đi học cùng các bạn. Học đến lớp 3 thì gia đình đi chăn gia súc nên theo cha mẹ đi luôn. Có đợt cách đây 2 năm, cha mẹ cho Lan về dưới bà ngoại ở Phước Dân để đi học tiếp nhưng được nửa năm thì em nghỉ vì nhớ em, nhớ mẹ. Mà có học thêm một vài năm nữa cũng chẳng để làm gì. Đằng nào cũng nghỉ học, cũng lại ngày ngày theo đàn gia súc, chiều về nhặt phân cừu bán cho người trồng nho dưới núi mà thôi.

Kể về cuộc sống trên thảo nguyên, Chô Lan cười buồn cho biết: Cuộc sống ở thảo nguyên buồn nhất là ban đêm. Ban ngày, dù nắng gió cơ cực nhưng còn có công việc để làm. Ban đêm, ngoài sao trời và những ngọn núi đen sì phía xa, không có bất cứ cái gì dành cho những đứa trẻ ở đây nữa.

Nhìn Chô Lan và những đứa em, chúng tôi phần nào hiểu về cuộc sống của những đứa trẻ du mục ở vùng thảo nguyên Ninh Thuận này. Những đứa trẻ cứ sinh tồn và lớn lên như những cây xương rồng hoang hoải ngoài kia. Khắc khổ, khô cằn và gai góc. Chúng rất ít ước mơ hoặc khao khát gì. Chỉ nghĩ đến ngày mai với niềm vui đơn giản là gia súc không lạc đàn, phân nhặt đầy bao tải mà thôi.

Lùa đàn cừu về chuồng.

Những người chăn thuê

Tuy nhiên, gia đình chị Chô Thi chưa phải là những người nghèo khổ nhất trên những đồng núi hoang hoải ở dải đất khô cằn này bởi họ còn sở hữu cả đàn gia súc. Nhiều gia đình “đồng nghiệp” khác cũng làm nghề chăn thả nhưng chỉ là làm thuê. Những đàn gia súc ngày ngày gắn bó với họ là tài sản của người khác. Đó là gia đình anh Hồ Sính ở ven bờ sông Khế, một nhánh của dòng sông Cái Phan Rang chảy dọc vùng duyên hải này. Sính đã gắn bó đời mình cùng những dê cừu đã gần bốn mươi năm, nhưng vẫn nghèo và tay trắng.

Vừa nhìn ra dải cát hoang nhấp nhô phía trước, Sính vừa trầm buồn bảo, mình sinh ra và lớn lên ở ngã ba dòng sông Khế này. Hồi nhỏ thường theo cha mẹ xuôi xuống Gia É, Bạc Rây làm thuê kiếm sống. Sau này lập gia đình, được thừa kế đàn cừu hơn hai mươi con, cả hai vợ chồng ngày ngày dẫn đàn sang bên Đa Pha, Kò Ró, có khi ngược tới tận Sơn Lâm, Hòn Bà tìm cỏ. Cuộc sống dù cực nhọc nhưng cũng không đến nỗi nào.

Mấy năm trước, trúng đợt hạn nặng, vợ lại sinh đôi hai đứa con nên phải bán hết đàn cừu trang trải cuộc sống. Sau đợt đó, mình có xuống phố huyện làm bốc vác, công nhân thuê nhưng không quen, lại quay về núi xin chăn thuê cho mấy chủ trại dưới Tà Giang. “Dường như, không có đàn gia súc, mình không biết mưu sinh bằng phương cách gì nữa”, anh bảo.

Hiện, vợ chồng Sính nhận một đàn 200 con và đảm bảo ngày nào chúng cũng được no bụng. Đổi lại, mỗi năm tiền công Sính nhận được là 40 triệu đồng cùng tất cả số phân chúng thải ra mỗi ngày. Nhưng nếu để con nào chết, bệnh thì phải đền cho chủ. Ngược lại, trong đàn có con non được sinh ra, người chăn sẽ được sở hữu một nửa con đó, còn lại là của chủ đàn.

Mặc dù là loài vật khá hiền lành, nhìn chậm chạp nhưng để quản lý được hai trăm con gia súc trên vùng đồi núi thấp lè tè rộng mênh mông này, đảm bảo chúng có cỏ ăn, nước uống là việc không dễ dàng gì. “Ban ngày hai vợ chồng lùa đàn ra chân núi rồi đi canh chừng chúng. Tới trưa vợ về nấu ăn, mình tiếp tục canh chừng. Nhưng không phải ngồi canh, mà phải theo chân chúng, chờ chúng thải ra phân còn nhặt về.

Mặc dù tiền công là thu nhập chủ yếu của người chăn thả thuê nhưng cuối năm mới được lấy. Để duy trì cuộc sống, hầu hết người chăn gia súc đều trông chờ vào phân của chúng. Phân gia súc thải ra, sau khi phơi khô đều được bán lại cho các hộ làm trang trại dưới phố huyện, đủ tiền mua gạo, muối sống qua ngày”, Sính kể thêm.

Về tương lai, người đàn ông có nước da đỏ như tôm luộc vì gió cát thảo nguyên hào hứng bảo: Cuối năm nay lấy tiền công, mình mua một cái xe máy cũ để thỉnh thoảng về với hai đứa nhỏ nhanh hơn. Giờ suốt ngày vợ chồng theo đàn gia súc, bọn trẻ ở nhà với ông bà suốt cũng buồn heo hắt vì nhớ.

Đốm lửa giữa vùng hoang vắng

Mùa này, vùng đất thảo nguyên bạt ngàn rộng hàng trăm cây số vuông từ đèo Ngoạn Mục đổ tới vùng ven biển Ninh Chữ, kéo từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cao nguyên Tô Hạp (tỉnh Khánh Hòa) cho tới vùng hồ Đơn Dương hay trải dài tuốt tận khu rừng âm u Ma Nới, Ka Lon, Sông Mao… đều đã qua cơn nắng nóng như đại hạn.

Mưa bắt đầu xối xuống thảo nguyên sau hơn nửa năm nắng cháy. Tuy nhiên, với những người du mục chăn thả, mùa mưa chưa hẳn đã là điều tốt lành dù thực tế, mưa đem lại nguồn thức ăn cho người và gia súc dồi dào hơn. “Nhiều ngày mưa bạt ngàn, cả người lẫn gia súc không biết trốn ở đâu. Mà mưa trên thảo nguyên, dữ dội và khủng khiếp hơn mưa đồng bằng rất nhiều. Những lúc ấy, tất cả chỉ mong tìm được những gốc cây lớn, hay một hẻm núi để tránh gió mà thôi”, anh Hồ Lành, một người gốc Chăm ở dưới chân núi Hòn Dài của xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) than thở.

Có lẽ, chỉ những người du mục mới hiểu hết các khắc nghiệt đến vô lý của thời tiết vùng thảo nguyên này. Nếu là nắng hạn, người và gia súc phải vắt kiệt mình để đi tìm cỏ và nguồn nước uống nhưng ngược lại, mùa mưa trên thảo nguyên, nơi chỉ có những đồi núi lúp xúp, những bụi xương rồng thấp lè tè thì đàn gia súc cũng chạy trối chết để tìm nơi ẩn nấp. May mắn, mưa ở thảo nguyên không nhiều, cả năm chỉ có vài lần nên cuộc sống người du mục chủ yếu vẫn chỉ là hành trình đi tìm cỏ và nguồn nước mà thôi.

Thế nhưng, thật lạ, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, cuộc sống của những cư dân du mục mà chúng tôi gặp ở vùng thảo nguyên này lại khá yên bình và đầm ấm. Trong những căn nhà lều bé nhỏ kia, khi ánh hoàng hôn dần lặn tắt phía cuối trời cũng là lúc tiếng cười nói rộn ràng, lẫn trong tiếng “be be be” đặc trưng của đàn cừu, dê.

Bếp của người du mục.

“Đời du mục khổ quen rồi, ai cũng chịu được hết. Điều hạnh phúc nhất ở vùng hoang vắng này là lúc đốt lửa. Lửa đem đến hơi ấm và sự no đủ. Ngày xưa đun củi, lá rừng còn giờ hầu hết đều đun bằng bếp ga nhỏ. Ngoài gia đình, nhiều khi người du mục còn túm tụm cùng nhau bên ly rượu để chia sớt đi cái khó, nhận về cùng nhau niềm vui, đùm bọc lúc đốt lửa. Với họ, trước khắc nghiệt của thảo nguyên, con người chỉ có tình thương và những chở che lẫn nhau mà thôi.

Không những vậy, như anh Hồ Lành kể, ngay cả mái ấm gia đình của anh cũng được gây dựng lên từ những ngày rong ruổi đồng cỏ nơi đây. “Mình quê bên làng Chăm Mỹ Nghiệp, Phước Dân. Từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, sống cùng người chú bị tật ở chân. Lớn lên chút thì theo người quen trong làng đi chăn cừu. May được một cô gái Bác Ái thương, lấy làm vợ.

Sau khi cưới, cả hai dành dụm gầy được đàn cừu này. Ba năm trước, một cậu con trai ra đời giữa hoang hoải thảo nguyên nhưng lại là niềm hạnh phúc vô biên của đôi vợ chồng trẻ. Từ đó đến nay, cuộc sống dù vất vả hơn nhưng không khí rộn ràng trong căn lều mỗi tối”.

Có lẽ, như những người du mục tâm sự, những đốm lửa chính là niềm hạnh phúc nhất với họ, mỗi khi bóng đêm trùm kín thảo nguyên. Dù mưa hay nắng, dù gió hay không, họ vẫn đốt lửa để canh đàn, để mang hơi ấm cho chính bản thân mình và chờ đợi bình minh tươi sáng ngày mai.

Đoàn Xá