Ấn Độ: Vì sao nạn nhân tai nạn giao thông thường bị bỏ mặc?

Linh Chi 10/06/2016 13:10

Thông thường khi một vụ tai nạn xảy ra, những người chứng kiến sẽ giúp đỡ người bị nạn hoặc ít nhất là gọi giúp đỡ. Nhưng điều này không đúng ở Ấn Độ. Tại một quốc gia có tình trạng giao thông thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới này, những người gặp nạn chỉ còn biết tự lo cho sinh mạng của mình.

Ấn Độ: Vì sao nạn nhân tai nạn giao thông thường bị bỏ mặc?

Ấn Độ là quốc gia có các tuyến đường thuộc hàng nguy hiểm
bậc nhất thế giới. (Nguồn: BBC).

Người dân Ấn Độ từng bàng hoàng trước câu chuyện của người đàn ông tên Kanhaiya Lal, người đã khóc lóc trong tuyệt vọng để yêu cầu những người lái xe ngang qua hỗ trợ mình sau khi gặp tai nạn giao thông. Đứa con trai, người vợ cùng một bé gái mới sinh của ông nằm ngay cạnh chiếc xe máy vừa gặp tai nạn mà chỉ trước đó vài giây còn đang chở cả gia đình.

Những hình ảnh đó đã được camera gắn trên đường ghi lại - cho thấy sự thống khổ của một gia đình là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Ấn Độ hồi năm 2013 - và sau này khi được công chiếu đã khiến rất nhiều người dân nước này không khỏi xót xa về một thực trạng.

Cuối cùng thì một số người qua đường tốt bụng cùng cảnh sát đã đến hiện trường để hỗ trợ gia đình trên, nhưng đã quá muộn bởi người vợ cùng bé gái mới sinh của Lal đã qua đời. Cái chết của họ đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trên toàn quốc về trách nhiệm của người đi đường. Giới truyền thông Ấn Độ lúc đó còn gọi thực trạng này là “ngày mà nhân tính không còn tồn tại”.

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động vì an toàn giao thông Piyush Tewari, thì sự việc trên không hẳn chỉ là sự thiếu lòng trắc ẩn của người dân mà là cả một hế thống đằng sau việc giúp đỡ một người gặp tai nạn giao thông trên đường ở Ấn Độ. Ông đã bắt đầu đấu tranh vì điều này cách đây 10 năm, sau khi chứng kiến một người họ hàng bị tai nạn khi đang từ trường học về nhà.

“Rất nhiều người dừng lại xem mà chả ai muốn giúp đỡ cậu ta” - ông Tewari nói - “Anh ấy đã chảy máu đến chết ngay bên vệ đường”.

Tewari sau này đã tìm hiểu để cố gắng nắm bắt hành vi trên và nhận ra rằng những điều từng xảy ra với người họ hàng của ông liên tục tái diễn trên khắp đất nước này. Những người đi đường hoàn toàn có thể giúp đỡ, nhưng họ lại bị chặn lại và cuối cùng là không làm gì cả.

“Lý do lớn nhất chính là rủi ro phải đối mặt với phía cảnh sát” - ông Tewari nói -“Thường thì khi bạn hỗ trợ ai đó, cảnh sát sẽ cho rằng bạn đang giúp đỡ người đó thực hiện hành vi phạm pháp”.

Theo một nghiên cứu của tổ chức SaveLife mà ông Tewari thành lập đưa ra trong năm 2013, có 74% người dân Ấn Độ không muốn giúp đỡ các nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông, dù là họ chứng kiến một mình hay cùng những người qua đường khác. Đa số họ đều sợ rằng họ sẽ bị rơi vào cảnh “tình ngay lý gian” khi ai đó nghĩ rằng chính họ là người gây ra tai nạn, hoặc sợ có một nhân chứng nói rằng chính họ gây ra tai nạn. Ngoài ra, khi giúp đưa người gặp nạn đến bệnh viện, họ sợ bị bắt trả phí tổn điều trị.

Thực trạng giao thông ở Ấn Độ

Mỗi giờ có 15 người chết vì tai nạn trên đường phố.

20 trẻ em bị chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông.

1 triệu người chết do tai nạn giao thông trong một thập kỷ qua.

5 triệu người chết vì thương nặng hoặc bị tàn tật vì tai nạn giao thông trong một thập kỷ qua.

Tại một đất nước có một hệ thống dịch vụ cấp cứu vận hành trơn tru, thì người qua đường thường làm nhiều hơn là chỉ gọi xe cấp cứu, sơ cứu và trấn an bệnh nhân rằng người của bệnh viện đang tới đó. Nhưng ở Ấn Độ thì khác, xe cứu thương rất thiếu, đôi lúc người ta phải chờ rất lâu mới xe cứu thương mới tới, và những chiếc xe này được trang bị hết sức tồi tàn.

Nhưng lạ ở chỗ, người dân Ấn Độ lại phản ứng rất nhanh đối với các vụ tai nạn đường sắt hay các vụ nổ bom… và thường thì nạn nhân được đưa tới bệnh viện trước khi cảnh sát tới. Điểm khác biệt là ở chỗ, các tai nạn giao thông trên đường nhựa thường chỉ có 1 hoặc 2 nạn nhân.

“Thế nên khả năng bị buộc tội cao hơn nhiều” - ông Tewari nói.

Vào năm 2015, chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi lại luật pháp để bảo vệ người qua đường trong các trường hợp giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông. Theo đó, nhưng người gọi điện tới dịch vụ cấp cứu thông báo sẽ được quyền ẩn danh, được miễn buộc tội và không phải trả chi phí nào cho bệnh viện.

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, một vụ tai nạn được camera an ninh ghi lại đã khiến cả quốc gia này bị sốc. Một chiếc xe hơi phóng nhanh đâm thẳng vào Vinay, 20 tuổi, ở phía Đông thủ đô New Delhi, và sau đó đám đông xung quanh bu lại quanh cậu mà chả làm gì cả. Đoạn video được tải lên mạng xã hội vào tháng 7/2015, dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt, và thậm chí được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề cập tới trên kênh phát thanh toàn quốc.

Linh Chi