Tọa đàm Di sản văn hóa biển
Tọa đàm “Di sản văn hóa biển Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc vừa được tổ chức.
Bên cạnh sự có mặt của đại diện hai cơ quan phối hợp, chương trình đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia uy tín về văn hóa biển. Tọa đàm là báo cáo kết quả bước đầu trong hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Hàn Quốc giai đoạn 2015 – 2020. Đại diện BTLSQG đã trình bày “Báo cáo hợp tác nghiên cứu Hệ thống thương cảng cổ ở Việt Nam giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc (2011 – 2016)”.
Báo cáo đã tổng hợp kết quả nghiên cứu, khảo sát quy mô, quá trình phát triển, giao thương của 25 thương cảng cổ lớn nhỏ, trong đó có các thương cảng trung tâm như: Miền bắc có thương cảng cổ Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên); Miền trung có thương cảng cổ Thanh Hà (Huế); Thương cảng cổ Hội An (Quảng Nam); Miền Nam có cảng cổ Bãi Xàu (Sóc Trăng)…
Tham dự chương trình đại diện Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc đã trình bày tham luận “Giao lưu Hàn Quốc – Việt Nam trong các ghi chép của Hàn Quốc”. Các vấn đề được đưa ra là: Sự xuất hiện của Việt Nam trong lịch sử Hàn Quốc; Nước Việt Nam trong ghi chép của chính sử Hàn Quốc, mà cụ thể là cuốn “Choson Hoàng Triều thực lục”; Việt Nam trong các ghi chép riêng lẻ của các quan lại và dân thường bị phiêu dạt đến Việt Nam, được người Việt cứu và có thời gian sống tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các đại biểu, hợp tác nghiên cứu giữa BTLSQG và Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc vừa đúng hướng vừa hiệu quả.