EU chia rẽ vì nhiều nước đòi ngừng cấm vận Nga
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt chống Nga thêm 6 tháng nữa, bất chấp thực tế rằng các quốc gia thành viên của khối này đang kêu gọi gỡ bỏ dần các lệnh cấm vận với Moscow trong bối cảnh bất đồng quan điểm khá gay gắt.
Ngày càng có nhiều thành viên EU kêu gọi gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt chống Nga (Nguồn: Sputnik).
Trong khi một số nước thành viên EU đang ra sức kêu gọi giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt với Moscow, thì Brussels lại lên kế hoạch “mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa, liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, tờ Financial Times hôm 10/6 đưa tin.
Theo FT, các nhà ngoại giao EU lo ngại rằng vấn đề này còn có thể làm vùng nổ một cuộc đối đầu trong khối EU, với một bên thúc đẩy việc xem xét lại các lệnh trừng phạt - như Italy, Pháp, Hungary và Hy Lạp - và một bên khác muốn tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt này, trong đó gồm Ba Lan và các nước Baltic.
Tờ báo còn dẫn một số nguồn tin ở Brussels, cho biết các chính trị gia ở châu Âu hiện đang do dự trước kế hoạch mở rộng lệnh trừng phạt Nga, đồng thời thúc đẩy các nước trì hoãn việc này để xem xét lại toàn bộ lệnh trừng phạt cho tới khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giới lãnh đạo EU, dự kiến vào tháng 12 tới.
EU bắt đầu nối gót Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với nước Nga, nhằm vào khu vực tài chính, năng lượng và quốc phòng nhằm đáp trả việc Crimea trở lại thành một phần nước Nga trong năm 2014 và cái mà họ gọi là sự hậu thuẫn âm thầm của Nga đối với phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
“Trong khi vẫn còn một cuộc tranh luận về việc liệu quyết định cuối cùng có thể được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 này hay không, giới chức nói rằng họ dường như chắc chắn các lệnh trừng phạt, kết thúc vào ngày 31-7 tới, sẽ được kéo dài thêm 6 tháng nữa” - FT cho hay.
Cùng thời điểm, một quan chức kỳ cựu của EU cho hay một số quốc gia của khối này “đang cân nhắc về việc gửi đi một tín hiệu mới tới Moscow”, trong đó nhấn mạnh rằng chính sách trừng phạt của châu Âu đang đến gần một thời điểm bước ngoặt. Sớm hay muộn thì EU cũng cần tổ chức một cuộc thảo luận chi tiết về các lệnh trừng phạt này và hội nghị thượng đỉnh trong tháng 12 tới chính là thời điểm phù hợp nhất.
Trước đó, hôm đầu tuần, các nhà lập pháp ở Pháp đã thông qua một nghị quyết trong đó kêu gọi gỡ bỏ “một phần và dần dần” các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nghị quyết được thông qua với số phiếu áp đảo. Tuy nhiên, động thái này cũng khó có thể làm thay đổi quan điểm ủng hộ kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng của Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Trong khi đó, hãng tin Izvestia của Nga dẫn lời Phó Chủ tich Ủy ban các vấn đề châu Âu của Thượng viện Pháp, cho hay các nhà lập pháp của nước này sẽ thông qua một nghị quyết khác về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga trong cuộc hội thảo Nghị viện EU sắp tới.
Được biết cuộc họp trên sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14/6 tại Hague, Hà Lan. Vấn đề mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga dự kiến cũng sẽ là vấn đề nóng hổi trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến tổ chức trong hai ngày, bắt đầu từ 28-6. Hungary, Cyprus, Hy Lạp, Italy và Slovakia được cho là sẽ tiếp tục kêu gọi giảm nhẹ hoặc gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Về phần mình, cuối tháng 5 vừa qua, Nga cho biết, các biện pháp trừng phạt đáp trả mà Moscow áp dụng đối với các nước tham gia cấm vận họ sẽ còn kéo dài cho đến hết năm 2017.
Theo các con số thống kê, các nước phương Tây tham gia vào lệnh trừng phạt Nga cho tới nay đã thua lỗ khoảng 9,3 triệu USD kể từ sau khi Nga đưa ra biện pháp đáp trả - lệnh cấm hàng nông sản từ châu Âu, theo một báo cáo từ trung tâm phân tích của chính phủ Nga.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016, giá trị nhập khẩu thực phẩm của EU tới Nga đã giảm tới 29% so với cùng kỳ một năm trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ nông dân châu Âu đã phải gánh chịu thiệt hại 2,2 tỷ USD chỉ trong vòng một năm.
Trong một báo cáo đưa ra hồi năm 2015, Nghị viện châu Âu dẫn số liệu thống kê từ WB, từng cảnh báo rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm mà Nga áp dụng với họ có thể khiến 130.000 người ở EU thất nghiệp.