Vỡ hụi
Chơi hụi (họ) được nhiều người cho là một cách giúp đỡ nhau về vốn. Người chơi nếu cần có thể được nhận tiền sớm, dù có thiệt hại so với việc rút sau. “Phong trào” chơi hụi thật là rầm rộ, hầu như địa phương nào cũng có. Và, việc vỡ hụi cũng xảy ra nhiều nơi, không ai biết trước được. Càng ngày, thông tin về số vụ vỡ hụi càng khiến mọi người lo ngại. Không ít người ngậm đắng nuốt cay, tan gia bại sản vì hụi. Nhưng, hụi họ vẫn như một điệp khúc buồn, chưa có hồi kết.
Người dân ấp Bình Phú (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) thất thần khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi.
Mới đây, người Hậu Giang rúng động bởi một vụ vỡ hụi quá lớn, lên đến 50 tỉ đồng, cho dù vụ này chỉ ở cấp... phường (phường Thuận An, Bình Thạnh của thị xã Long Mỹ).
Chủ hụi cũng là người địa phương, được tiếng là khá sòng phẳng, trả gốc lẫn lãi đúng hẹn. Cũng chính vì được tiếng tốt nên từ năm 2013, chủ hụi đã nâng được số tiền lên cho mỗi dây, cao nhất là 10 triệu đồng cho dây hụi nửa tháng. Nhưng hơn 1 tháng trước, chủ hụi tuyên bố xanh rờn là không còn khả năng chi trả.
Trước đó, vào tháng 4, tại huyện Tĩnh Gia và Như Thanh (Thanh Hóa), những dây hụi lớn cũng bị vỡ. Riêng tại xã Phú Sơn (huyện Tĩnh Gia) có tới hơn 70 đơn trình báo bị quịt. Như vậy, ít nhất cũng có tới 70 gia đình lâm vào cảnh túng quẫn chỉ vì hụi. 15 chủ hụi của xã này đã “hốt” của con hụi 38 tỉ đồng.
Sở dĩ chủ hụi gom tiền dễ là do họ tuyên bố trả cho các con hụi hoa hồng cao: 10.000 đồng cho một triệu đồng. Người đóng hụi sau khi nộp tiền được hứa hẹn trả lãi suất 1,5-2% mỗi tháng, cao hơn gửi ngân hàng rất nhiều, lại chủ động trong việc rút tiền. Thấy bở, nhiều người vay tiền ngân hàng để chơi, có người cầm cố cả vườn, cả nhà để góp hụi.
Đây được coi là vụ vỡ hụi dây chuyền, vì ngoài xã Phú Sơn, còn nhiều xã nữa cũng vỡ, như Phú Lâm, Tân Trường, Hải Thanh, Hải Bình, thị trấn Còng (huyện Tĩnh Gia) và 2 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ (huyện Như Thanh).
Không dừng ở đó, theo thời gian, người dân xã Phú Sơn tiếp tục trình báo việc bị thiệt hại do chủ hụi tuyên bố vỡ nợ. Thật khủng khiếp khi số tiền người dân xã này góp vào các dây hụi lên tới 50 tỉ đồng. Các chủ hụi thì đã bỏ trốn khỏi địa phương, con hụi chỉ biết ngơ ngác, thất thần.
Chơi hụi, góp hụi trên thực tế là khá phổ biến, cả ở thành thị lẫn ở nông thôn, kể cả trong công sở người ta cũng chơi hụi, vì thực ra điều đó cũng không bị cấm, không phạm pháp. Nhưng, đáng nói là mức độ rủi ro của nó vô cùng lớn. Theo quy định tại điều 479 Bộ luật Dân sự: “họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 về hụi, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ. Cụ thể, đối với hoạt động họ không lãi, theo điều 13, điều 14 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP thì các thành viên có nghĩa vụ góp phần họ theo thỏa thuận cho chủ họ trong trường hợp có chủ họ hoặc cho thành viên được lĩnh họ; bồi thường thiệt hại cho những người tham gia họ, nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại; các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận. Trong trường hợp không có chủ họ thì thành viên được ủy quyền lập và giữ sổ họ có các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 điều 15 Nghị định 144.
Như vậy, khi người tham gia chơi họ - dù ở hình thức nào - nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được bảo hộ những quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên Nghị định cũng quy định, trong trường hợp, người cầm tiền đã cầm toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn, ngoài trách nhiệm pháp lý mà người đó phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, đối với những thành viên tham gia họ, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh họ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nhưng nếu phần chủ hụi không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.
Một hình thức hùn vốn kiếm lời dựa trên cơ sở chính là lòng tin này xem ra quá nhiều rủi ro. Với những dây hụi con, chủ hụi cũng không ôm tiền rồi tuyên bố vỡ nợ làm gì. Nhưng số tiền lên đến tỉ đồng, vài chục, vài trăm tỉ đồng thì lại rất khác. Cũng không ai dám chắc chủ họ tuyên bố vỡ nợ là thật hay giả (nhằm chiếm đoạt tiền của người khác), nhưng có điều chắc chắn là khi đó người chơi hụi lãnh đủ.
Có một điều, lúc đó chính quyền cơ sở ở đâu? Không thể nói cán bộ xã/phường không hay biết việc người ta huy động tiền vào các dây hụi; cũng không thể không biết những lo ngại của người dân khi dấu hiện bất ổn xuất hiện. Trong nhiều trường hợp, cán bộ xã/phường đã đá quả bóng trách nhiệm sang chân người khác, coi như mình vô can. Đó thực sự là thái độ thiếu trách nhiệm, vô cảm trước sự khốn đốn của người dân.
Việc các dây họ thi nhau vỡ, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với những người chơi hụi. Hãy thật sự bình tĩnh vì ở đời không ai cho không mình tiền cả, không thể thu được lãi từ những đồng tiền bỏ ra một cách quá dễ dàng. Những đồng tiền dễ dãi bao giờ cũng là ẩn họa. Nói cách khác, đó là một tai họa được báo trước.