Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cuối tuần qua, gặp gỡ các nhà báo tham gia Chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Thông tin từ báo chí là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội. Bản thân báo chí cách mạng Việt Nam trải qua hơn 90 năm phát triển, qua các thời kỳ đã thông tin toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội và đặc biệt báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bài trừ cái xấu; phòng
Ảnh minh họa.
Vai trò, sứ mệnh của báo chí là thế và nhiều nhà báo, nhiều tờ báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam trong những năm qua đã luôn thể hiện vai trò, sứ mệnh ấy của mình. Báo chí không chỉ tìm ra cái xấu, cái chưa tiến bộ để phê phán, đấu tranh góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn mà báo chí cũng luôn cổ vũ cho cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ có điều kiện “nở hoa kết trái” nhất là trong xã hội hiện đại với vô vàn những thách thức, những khó khăn; thậm chí, có đôi lúc, đôi nơi những điều tốt đẹp còn phải chịu sự lép vế trước cái sai, cái xấu. Trong bối cảnh ấy, có thể dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mối quan hệ hợp tác giữa nhà báo và doanh nghiệp, khi Thủ tướng cho rằng: Đó là mối quan hệ có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.
Xét cho cùng, báo chí có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. điều đó không hề sai. Nhiều sản phẩm, nhiều thương hiệu lớn, thông qua sự quảng bá hay “định hướng” dư luận của báo chí đã gặt hái không ít thành công trên thương trường cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Những thương hiệu như: Viettel, FPT (trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông), Vinamilk, TH Milk (trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sữa), Vinacafe, Trung Nguyên (chế biến xuất khẩu cà phê) hay như may Việt Tiến, may Nhà Bè… là những thương hiệu Việt không chỉ được người tiêu dùng Việt yêu mến mà nhiều thương hiệu Việt còn nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng quốc tế.
Đương nhiên, để có một thương hiệu, một bản sắc riêng, mỗi thương hiệu đều cần có sự nỗ lực của riêng mình; cần một chiến lược với những bước đi đúng đắn và cần một bản sắc riêng, không thể hòa tan, không thể trộn lẫn với một slogan riêng cho chiến lược thâm nhập vào thị trường trong nước hay quốc tế. Nói cách khác, để thương hiệu có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng cần nhất là sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Nhưng, cũng phải nói thêm rằng, nhờ có truyền thông mà doanh nghiệp có thể củng cố vững hơn vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng, sản phẩm của doanh nghiệp cũng có thể được biết đến nhiều hơn. Có lẽ cũng vì điều này mà người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đến quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp ở chính sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm; phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để rồi, cũng chính Thủ tướng đã bày tỏ mong muốn báo chí và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, tương trợ và hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung của cộng đồng vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thủ tướng nói tại cuộc gặp gỡ các nhà báo tham gia Chương trình báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp hồi cuối tuần rằng: “Chúng tôi mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành trong giai đoạn mới mạnh mẽ hơn, liên tục hơn, thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể. Trước hết là báo chí thực hiện tốt sứ mệnh báo chí, phản ánh thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực; luôn theo sát các biến động trong dòng chảy đời sống, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt là vai trò của báo chí, cần kịp thời truyền tải thông tin chính sách pháp luật của Nhà nước. Giữa báo chí và DN phải có diễn đàn chia sẻ thông tin với nhau. Báo chí và DN muốn hợp tác, hỗ trợ nhau thì phải giao lưu, trao đổi thông tin thẳng thắn, cởi mở”.
Lại nói về sự nhanh nhạy, trung thực, khách quan của báo giới có thể thấy, trong xã hội hiện đại với sự phát triển nhanh như vũ bão của các phương tiện điện tử, báo chí cũng phải chạy đua với thời gian để cập nhật thông tin, phản ánh tin tức, sự kiện một cách nhanh nhất có thể. Nhưng, chính trong cuộc chạy đua ở ‘biển thông tin’ ấy đôi lúc, đôi nơi nhiều nhà báo, tờ báo đã vì sự câu view, câu like mà đưa thông tin có phần thiếu chính xác.
Một bạn đồng nghiệp sau chuyến công tác trở về từ Đồng Tháp, khi chụp những vườn xoài cát Hòa Lộc với những trái xoài trông thật đẹp mã đã không khỏi ngậm ngùi thốt lên đầy trách móc với những bạn đồng nghiệp đã trót đưa tin đồn thất thiệt trên báo. Cả một vườn trái như vậy mà lâu nay bán không được giá; thậm chí có thời điểm gần như không bán nổi chỉ vì thông tin được chính báo chí nêu lên về việc, túi bao bọc trái xoài có chứa hóa chất gây ung thư. Những tin đồn thất thiệt kiểu ấy lại chưa được kiểm chứng đã được nhiều cơ quan báo chí đưa tin khiến nông dân điêu đứng, doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn. Liệu báo chí được lợi gì với những tin hot kiểu này nếu không phải chỉ là những cú câu like đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng, không chỉ muốn ăn ngon mà còn là ăn có chất lượng. Tâm lý “sống vui, sống khỏe” của người tiêu dùng là hoàn toàn đúng đắn; nhất là trong bối cảnh đời sống xã hội đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng nâng cao chất lượng sống. Nhưng câu like kiểu này rõ ràng là vô trách nhiệm với xã hội. Đương nhiên, cũng không loại trừ việc một số doanh nghiệp với sự trợ giúp của truyền thông đại chúng làm ăn chụp giật, gian dối, gây hại cho người tiêu dùng- đây cũng là một xu thế cần được cảnh báo, cần được chấn chỉnh mà báo chí cần lên tiếng.
Chính vì thế với sứ mệnh thông tin trung thực, khách quan nếu thực hiện tốt, báo chí sẽ góp phần thực hiện tốt vai trò cầu nối của mình, góp phần cùng Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. “Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần phát huy năng lực phẩm chất đạo đức báo chí cách mạng đảm bảo chất lượng thông tin. Bên cạnh đó, báo chí cần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông chia sẻ của xã hội, góp phần động viên doanh nghiệp, doanh nhân”- Thủ tướng nói và cũng là giao nhiệm vụ cho báo chí. Một nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu thực sự làm hết trách nhiệm; nhưng với báo chí, niềm tin của bạn đọc chính là nguồn nuôi dưỡng sự phát triển của báo chí. Vì thế, chỉ mấy chữ trong khái niệm”báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” nếu làm đủ, làm hay chắc chắn báo chí cũng sẽ có được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả nói chung và độc giả là các doanh nghiệp nói riêng.