Dạy bơi cho trẻ nhưng lại thiếu bể bơi

Thu Hương 13/06/2016 11:10

Thời điểm này là lúc các lớp học bơi được tổ chức sôi nổi. Dù là học miễn phí hay thu tiền thì sự quan tâm, giám hộ của phụ huynh và các thầy cô phụ trách, huấn luyện viên là rất cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. 

Dạy bơi cho trẻ nhưng lại thiếu bể bơi

Lớp học bơi miễn phí do quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức hè 2016. (Ảnh: Tô An).

Chết đuối ở… bể bơi

Ngày 7/6, một thầy giáo công tác tại trường THCS Xuân Phú (Hà Nội) dẫn nhóm em học sinh vào bể bơi tư nhân trên địa bàn xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ để dạy bơi. Trong quá trình dạy bơi, do có nhiều em học sinh nên thầy giáo không kiểm soát được tất cả. Khi đang tập khởi động cho các em ở trên bờ thì L.T.S. (11 tuổi, trú huyện Đan Phượng) đã tự ý nhảy xuống bể bơi và bị chuột rút khiến đuối nước.

Trước đó, ngày 30/4 tại bể bơi thuộc tòa B, chung cư Thăng Long Number One (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến một bé trai (11 tuổi) chết thương tâm. Mặc dù đã được quản lí tòa nhà, người thân cùng đội ngũ y tế áp dụng một số phương pháp sơ cứu tại chỗ nhưng cháu bé đã tử vong trước đó.

Những sự việc đau lòng xảy ra trên đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đưa con em đi tập bơi trong thời điểm nắng nóng hiện nay. Các bậc phụ huynh cần sát sao theo dõi các em, không được để các em một mình bơi và không có đồ bảo hộ, không có đội ngũ y bác sĩ cứu hộ tại chỗ. “Theo dõi vụ việc, tôi thấy truyền thông đưa tin là người nhà bé L.T.S. cho biết, thời điểm xảy ra sự việc, bé đang bị cảm. Vấn đề sức khoẻ của con trẻ cũng cần được quan tâm trước khi tham gia lớp học bơi hoặc ngay cả khi đã biết bơi rồi nhưng nếu sức khoẻ hiện không được tốt như đang bị cảm, mới ốm dậy thì cũng cần cân nhắc” – bác sĩ Trần Thị Minh, khoa Điều trị tự nguyện, BV Nhi Trung ương khuyến cáo.

Tuy nhiên, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng cần được làm rõ khi một bể bơi tư nhân chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Thậm chí, bể bơi này đã nhiều lần bị chính quyền lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động.

Dạy bơi cho trẻ là việc làm cần thiết, thậm chí là quan trọng số 1 để phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em nhưng dạy bơi ở đâu, do ai hướng dẫn và có người giám hộ hay không là những vấn đề cần được đặt ra ngay từ trước khi bắt đầu. Không thể để đến khi sự việc đau lòng xảy ra mới thốt lên những lời “giá như” thì đã quá muộn.

Nhân rộng việc dạy bơi cho học sinh

Thời điểm này, nhiều trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì mở cửa bể bơi đón học sinh và những ai có nhu cầu học bơi. 20 buổi học với học phí 500 nghìn đồng/ người là mức giá được nhiều phụ huynh cho là phù hợp trong thời buổi kinh tế hiện nay. Anh Nguyễn Đức Ninh (P402, CT16, KĐT Tứ Hiệp huyện Thanh Trì) cho biết, sẽ đăng ký cho con gái đi học bơi tại trường tiểu học Tứ Hiệp vì bể bơi được xây dựng phù hợp dành cho học sinh lứa tuổi tiểu học và mức học phí hợp lý. Bể sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn tiên tiến, đảm bảo cho sức khỏe của các con. Quan trọng là huấn luyện viên là các thầy cô được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hoàn thành các khoá huấn luyện do Bộ GD&ĐT cấp nên rất tin tưởng. Thời gian học cũng linh động, trong đó có ca từ 16-17h mỗi ngày phù hợp cho phụ huynh sắp xếp đưa con em tham gia lớp học thay vì phó mặc hoàn toàn cho các huấn luyện viên.

Tại quận Cầu Giấy, khóa học bơi miễn phí do Trung tâm TDTT phối hợp với phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tổ chức đang thu hút hơn 800 học sinh chia làm 3 lớp. Tại quận Thanh Xuân, từ trong năm học các trường Tiểu học trên địa bàn đã tiến hành rà soát với kết quả cụ thể có khoảng 2.000 học sinh chưa biết bơi trong tổng số 3.205 học sinh lớp 5 của toàn quận. Với quyết tâm thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020; trong đó yêu cầu học sinh Tiểu học khi ra trường phải có chứng chỉ biết bơi, quận hỗ trợ 30% học phí cho những học sinh đăng ký học bơi từ nguồn ngân sách quận.

Chia sẻ về vai trò của ngành giáo dục trong việc dạy bơi cho trẻ, tại cuộc họp báo Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 mới đây, ông Dương Văn Bá- Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ GĐ&ĐT) cho biết: “Ngành Giáo dục không thiếu nhân lực dạy bơi cho trẻ em, chỉ thiếu bể bơi. Cách đây 5-6 năm Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án về dạy bơi cho trẻ em trong trường học để trình Chính phủ song đến nay vẫn chưa được phê duyệt vì việc xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống bể bơi trong các trường học rất khó khăn, kinh phí rất lớn mà không có nguồn”.

Để đẩy mạnh việc dạy bơi cho trẻ, cần sự phối hợp liên bộ ngành trong đó sự tham gia của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp là rất cần thiết. Trong đó, vấn đề khó nhất là thiếu bể bơi có thể xem xét bằng cách hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy như cách làm hiệu quả của ngành giáo dục huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).

Thu Hương