Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số: Tạo việc làm, cải thiện đời sống

Vân Hằng 13/06/2016 09:05

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa báo cáo kết quả “Việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số”. Theo đó, nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và hộ nghèo DTTS  đang mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số: Tạo việc làm, cải thiện đời sống

Bà con yên tâm sản xuất với nguồn vốn hỗ trợ.

Mỗi chương trình cho vay đều gắn với các đối tượng cụ thể về định mức, thời hạn vay, lãi suất vay, ân hạn, gia hạn nợ… Ngoài ra, một số tỉnh căn cứ vào thực tế của địa phương còn có một số chính sách riêng nhằm hỗ trợ đối với các hộ vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS (hỗ trợ về lãi suất, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ làm chuồng trại, hỗ trợ tiền tiêm vắc xin…).

Nhìn chung, các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào DTTS được ban hành với mục tiêu rõ ràng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đặc thù của các vùng miền...; Mục đích cho vay đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người nghèo nói chung và người nghèo DTTS nói riêng, như vay làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất, vay chuộc đất, xuất khẩu lao động... Những điều này đã kịp thời giúp đồng bào DTTS vượt khó.

Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc ra đời Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước dễ dàng.

NHCSXH cũng là tổ chức tín dụng duy nhất xây dựng được mạng lưới điểm giao dịch đến tận cấp xã trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận với tín dụng chính sách. Hội đồng dân tộc đánh giá: Việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo (TDHN) tại các địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu vay vốn của các hộ nghèo, cận nghèo nói chung và hộ nghèo, cận nghèo người DTTS nói riêng.

Hoạt động của NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; là công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo có điều kiện sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Trên cơ sở kết quả khảo sát “Việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo DTTS”, Hội đồng Dân tộc đã có một số đề xuất, kiến nghị. Đó là, hiện tại, nguồn vốn của NHCSXH chủ yếu sử dụng từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội trong quyết định ngân sách hàng năm cần giao trực tiếp, tăng vốn và linh hoạt vốn cho NHCSXH.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Có như vậy đối tượng chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo mới có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Đối với địa phương và NHCSXH, Hội đồng dân tộc của Quốc hội đề nghị, Chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các ngành thực hiện tốt chính sách TDHN. Tăng cường trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa NHCSXH với Ban Dân tộc, các sở, ngành chuyên môn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội trong công tác vận động tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách TDHN trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thống kê, rà soát, cập nhất các tiêu chí và bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện chính sách TDHN.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo hiện hành thông qua cơ chế phối hợp và hình thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động của các điểm giao dịch cấp xã, các TTK&VV; bảo đảm an toàn nguồn vốn và tuân thủ đúng quy trình, quy định của vốn vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách…

Vân Hằng