Bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Khánh Duy 14/06/2016 09:15

Trong hôm đầu tuần, người dân Mỹ đã phải đối diện với một sự lựa chọn khó khăn mới sau khi quan sát hai ứng viên hàng đầu cho chức Tổng thống Mỹ đưa ra phản ứng của họ về vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ - sự kiện được cho là đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Thảm kịch mới xảy ra ở nước Mỹ đã khiến cả hai ứng viên tranh chức Tổng thống Mỹ phải thay đổi chiến lược (Nguồn: Reuters).

Những phản ứng mà ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ phía đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra đã cho thấy rõ sự khác biệt giữa họ: Một ứng viên tự do mà phản ứng đầu tiên của ông đưa ra là khoe khoang rằng ông đã dự báo trước về vụ thảm sát và người còn lại đưa ra một tuyên bố cẩn trọng về chủ nghĩa khủng bố và sự thù hận.

Sự khác biệt đó ngày càng thể hiện rõ hơn và thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Mỹ, khi họ đang phải trải qua bóng đen của vụ tấn công khủng bố nhằm vào một câu lạc bộ đêm đồng tính khiến ít nhất 50 người thiệt mạng cùng 53 người khác bị thương.

Các cố vấn của bà Clinton nói rằng bà đang thay đổi thông điệp của mình khi sắp sửa tổ chức chiến dịch vận động đầu tiên của mình tại bang Ohio với tư cách ứng viên đại diện đảng Dân chủ. Tỷ phú Donald Trump, sự lựa chọn của đảng Cộng hòa, cũng lên kế hoạch cho một bài phát biểu về chính sách ngoại giao tại New Hampshire. Kế hoạch ban đầu của ông này chọn ngày 13/6 cuối cùng đã chuyển thành một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ thảm sát.

Bà Clinton có nhiều lựa chọn để tạo nên một thông điệp mới sau vụ thảm sát vừa rồi. Cựu Đệ nhất phu nhân vốn nổi tiếng là người luôn biết cách xoa dịu nỗi đau, kể từ sau vụ khủng bố tại tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma năm 1995. Bà Clinton cũng từng trải qua sự kiện ngày 11/9/2000 và từng tuyên bố sẽ xây dựng lại biểu tượng của nước Mỹ cũng như bỏ phiếu thuận để nước Mỹ đáp trả chủ nghĩa khủng bố. Bà cũng có mặt trong phòng Tình huống để theo dõi trực tiếp cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Bà Clinton cũng luôn có một hướng tiếp cận rất mềm mỏng, nhấn mạnh về vai trò như một người mẹ, người bà. Dù đôi lúc có vẻ ngoài cứng rắn, nhưng bà Clinton luôn đưa ra những phản ứng xoa dịu rất hiệu quả trong những thời khắc mà nước Mỹ hứng chịu thảm kịch; trong đó gồm cả vụ thảm sát mới đây nhất.

“Bà Clinton sẽ tiếp tục nói về hành động khủng bố và sự thù hận, và về những bước đi mà bà sẽ dẫn dắt để nước Mỹ luôn an toàn” - một phụ trách chiến dịch của bà Clinton nói với tạp chí Time.

Ngược lại, nhà tài phiệt địa ốc Donald Trump, đối thủ sừng sỏ của bà Clinton, cũng có đủ các luận điểm của mình. Còn nhớ sau sự kiện xả súng đẫm máu xảy ra tại San Bernardino, California khiến 14 người thiệt mạng, Trump đã kêu gọi lệnh cấm tạm thời tất cả người Hồi giáo vào nước Mỹ. Và sau vụ tấn công khủng bố ở Paris và Brussels, các luận điểm tương tự mà Trump đưa ra cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền nhưng vẫn thu được sự ủng hộ đáng kể từ một bộ phận người dân.

Mới đây nhất, sau vụ thảm sát ở Orlando, Trump ngay lập tức nói rằng trong suốt nhiều tháng qua ông đã luôn đúng về chủ nghĩa khủng bố. Trong một đoạn chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Trump nói rằng ông “trân trọng những lời khen ngợi về việc đã nói đúng về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”.

“Tôi không muốn những lời ngợi khen đó, tôi muốn sự cứng rắn và thận trọng” - Trump viết - “Điều đã xảy ra ở Orlando mới chỉ là khởi đầu. Giới lãnh đạo của chúng ta quá yếu đuối và không hiệu quả. Tôi yêu cầu phải có lệnh cấm. Và nó cần phải nghiêm khắc”.

Trong một tuyên bố khác, Trump còn nói rằng Tổng thống Barack Obama nên từ chức, bà Clinton nên từ bỏ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và cho rằng cuộc đua này thế là đã chấm dứt.

“Tôi sẽ đứng ra bảo vệ tất cả người Mỹ. Chúng ta sẽ khiến nước Mỹ vĩ đại và an toàn trở lại” - Trump nói.

Trump dự kiến sẽ tới New Hampshire để có bài phát biểu mà các cố vấn chiến dịch của ông gọi là “một bài phát biểu lớn về vấn đề các vụ tấn công khủng bố, vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia”. Trước đó, Trump đã lên kế hoạch phát biểu ở Portsmouth nhưng sau đó đã hủy hoàn toàn để tập trung vào việc phản ứng với thảm kịch vừa qua.

Vụ tấn công đẫm máu ở Orlando, Florida vừa qua được coi là bước ngoặt trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nó sẽ đưa ra những tiêu chí mới mà người dân Mỹ quan tâm và chắc chắn những tiêu chí này sẽ xuất hiện dày đặc trong chiến dịch tranh cử của hai ứng viên.

Một câu hỏi lớn nhất mà người ta có thể nghĩ đến trong hôm đầu tuần rất đơn giản: Liệu vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ có thúc giục người dân nước này tìm kiếm một vị lãnh đạo có kinh nghiệm hàng thập kỷ trong việc xử lý các thảm kịch quốc gia trong cương vị cố vấn chính trị, hay một vị lãnh đạo luôn đổ lỗi rằng mọi thảm kịch từng xảy ra trước đây là do sự thiếu năng lực?

Khánh Duy