Nâng đường Kinh Dương Vương, TP Hồ Chí Minh: Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng

Lê Anh 14/06/2016 09:07

Công trình chống ngập dài 3,5 km với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 300 tỷ đồng, bằng giải pháp nâng mặt đường Kinh Dương Vương (Q Bình Tân, TP HCM) vừa thi công được chưa đầy 1 tháng đã gặp phải sự phản đối dữ dội của hàng trăm hộ dân sống học hai bên đường. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM – đơn vị chủ đầu tư công trình đã phải lập tức tạm ngưng các hoạt động thi công.

Đường nâng thành đê chống ngập hơn 1,2m khiến hàng trăm hộ dân hai bên đường lo lắng nhà bị ngập trong mùa mưa. Ảnh: Hồng Phúc.

Tạm ngừng thi công

Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chống ngập TP HCM, công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48m. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng trung bình 0,7m và vỉa hè nâng cao từ 0,4 - 1,2m, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa nhà ở và công trình xây dựng dọc hai bên đường sẽ thấp hơn vỉa hè 0,6 -1 m.

Thế nhưng, ngay khi công trình vừa được thi công trong một thời gian ngắn thì hàng trăm hộ dân đã bức xúc gửi đơn đến chính quyền địa phương phản ánh, khiếu nại. Theo khảo sát sơ bộ, công trình đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà, một bệnh viện, 64 doanh nghiệp, 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, 44 tuyến đường, hẻm kết nối với tuyến đường Kinh Dương Vương có trên một đoạn có chiều dài khoảng 3,5 km.

Ông Huỳnh Văn Khẩu, một người dân tại phường An Lạc nói: Mặt đường bỗng chốc nâng lên hơn 1m chắc chắn sẽ khiến nhà dân bị ngập trong biển nước khi mưa lớn kết hợp chiều cường. Gia đình ông Khẩu sống ở khu Mũi Tàu nhiều năm và chứng kiến rất nhiều trận ngập úng xảy ra thường xuyên hàng năm kéo dài từ vòng xoay Mũi Tàu đến khu vực ngã tư Hồ Học Lãm và Kinh Dương Vương. Nguyên do khu vực này là vùng trũng, lại giáp hai con kênh lớn là Tham Lương và Tân Hóa - Lò Gốm. Cống thoát nước trên tuyến đường này đa số đã cũ và xuống cấp nên không đủ khả năng thoát nước khi triều cường kết hợp mưa lớn.

Gia đình bà Phạm Thị Cúc, ngụ 51A Kinh Dương Vương cho biết, liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, cũng vào thời điểm từ giữa tháng 6 đến tháng 7 trên toàn tuyến đường Kinh Dương Vương đoạn qua Bình Tân dài hơn 3km ngập trong biển nước, nhà dân hai bên đường phải dùng các bao tải cát để chắn nước vào nhà. “Nếu đường mà nâng lên cao đến hơn 1m thì chúng tôi lo rằng nước sẽ không thoát kịp và tràn vào nhà dân chỉ sau một trận mưa lớn; hơn nữa cũng sẽ còn nhiều bất tiện hơn nữa đối với những hộ buôn bán hai bên đường”, bà Cúc nói.

Sau một tuần Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM – Đơn vị chủ đầu tư công trình tạm ngưng thi công dự án, hiện trạng đường Kinh Dương Vương đoạn từ Bến xe miền Tây đến ngã tư Hồ Học Lãm với tuyến đường này ngổn ngang bê tông, gạch đá và máy móc nằm rải rác dọc đường.

Hàng trăm cửa hàng, đại lý kinh doanh hai bên đường phải đóng cửa hoặc ngưng trệ hoạt động kinh doanh, buôn bán. Một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm, showroom buộc phải trả mặt bằng do công trình xây lấp mặt bằng trước cửa, không có lối ra vào cho khách hàng, như chi nhánh hàng điện tử - điện thoại di động của FPT Shop tại mặt tiền ngã 4 Kinh Dương Vương và Hồ Học Lãm; các cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, nhôm kính đoạn đối diện với đường Tên Lửa (Q Bình Tân);…

Tìm giải pháp khả thi

Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết, kể từ khi Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM tiến hành thi công công trình thì UBND quận đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, do việc thi công công trình đã ảnh hưởng đến 539 hộ dân sinh sống và kinh doanh, buôn bán hai bên đường; 27 cơ quan hành chính và 44 tuyến đường hẻm bị ảnh hưởng bởi khói bụi và rào chắn công trình; các phương tiện lưu thông rất khó khăn. “Về mục tiêu của công trình thì không sai, nhưng để lấy cái lý thuyết đó áp dụng cho toàn bộ công trình ở đường Kinh Dương Vương này thì tôi thấy chưa phù hợp. Nhất là việc nâng đường lên cao như vậy mà chưa có giải pháp gì để xử lý ngập cho người dân ở hai bên lưu vực đường”, ông Thinh bày tỏ.

Về phía Sở GT-VT TP HCM lý giải, việc nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) cao hơn nhà dân 1 mét là xuất phát từ việc kiểm soát ngập do triều cường. Hiện nay, Sở GT-VT TP cũng vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng để đưa ra các phương án phù hợp trên tinh thần “hài hòa giữa hạ cao độ và kết hợp kiểm soát triều cường”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP thì khẳng định, công trình đã được phê duyệt, vì vậy chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp tục thi công. Tuy nhiên, từ ý kiến góp ý của người dân và chỉ đạo của UBND TP Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP sẽ cố gắng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân và sẽ chỉ thi công ở cao độ mặt đường khoảng 1,2m, còn cao độ vỉa hè đường Kinh Dương Vương sẽ được điều chỉnh giảm xuống để người dân đi lại thuận tiện hơn trong quá trình công trình được thi công.

Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP HCM – Nguyễn Thành Phong, về phía chủ đầu tư có trách nhiệm hợp tác cùng với các cơ quan chức năng thành phố để tìm giải pháp phù hợp, đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.

Hiện nay, UBND Q.Bình Tân cũng đã có kiến nghị chủ đầu tư xem xét giảm cao độ thiết kế của dự án để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và kinh doanh của các hộ dân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cần lắp đặt bổ sung hệ thống trạm bơm tại một số vị trí trũng nhằm giải quyết dứt điểm việc ngập do mưa kết hợp với triều cường vào mỗi mùa mưa.

Lê Anh