Hạn chế thương lái ép giá vải tươi
Ngày 13/6, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và thị trấn Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2016.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng, xác định các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi, trong đó có mặt hàng vải thiều quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng nên ngay từ đầu mùa vụ, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND huyện Văn Lãng làm việc với phía Trung Quốc đẩy mạnh các giải pháp giải quyết lượng hàng hóa xuất khẩu trong những thời điểm vào dịp thu hoạch.
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, hiện nay các điều kiện về cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu phụ đã được Nhà nước quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ; hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu tiếp tục được nâng cấp, mở rộng; kho hàng trong khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng bến bãi, kho hàng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với 19 bến, bãi hàng hóa, tổng diện tích trên 820.000m2 tại các cửa khẩu và nhiều bãi đỗ xe, sang tải hàng hóa.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, để giảm bớt tình trạng “được mùa rớt giá” thì các doanh nghiệp, thương nhân nên thay đổi phương thức kinh doanh từ việc mang hàng hóa ra chợ bán thành phương thức kinh doanh ngoại thương, mua bán có ràng buộc pháp lý bởi hợp đồng ngoại thương, hạn chế xuất khẩu theo loại hình xuất biên giới; thực hiện phân loại, lựa chọn hàng hóa cẩn thận, đúng quy trình ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói, tránh việc các thương lái lấy lý do ép giá gây bất lợi cho người bán.
Cùng với đó cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vải thiều để hỗ trợ, chủ động thống nhất trong kinh doanh, tránh trường hợp thiếu thông tin dẫn đến bất lợi khi giao dịch. Và đặc biệt là các thương nhân, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2016 ước đạt 130.000 tấn (giảm gần 30% so với năm 2015); trong đó vải thiều chín sớm chiếm 17,7%, còn lại là vải thiều chính vụ ( thu hoạch từ ngày 20/6 đến 25/7).
Theo dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm 60%; xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%, thị trường xuất khẩu có tỷ trọng cao là Trung Quốc thông qua các cửa khẩu tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Lạng Sơn.
Đối với tỉnh Hải Dương với diện tích trồng vải thiều của tỉnh khoảng 11.000 ha với sản lượng khoảng 50.000 tấn; trong đó có 50% sản lượng được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, từ 25-30% là xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước.