Chưa chắc an toàn
Một lô cá nục đông lạnh nhiễm chất cấm phenol vừa bị phát hiện ở Quảng Trị gây tranh cãi giữa các ngành chức năng địa phương. Ngành nông nghiệp đã cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ, đảm bảo an toàn cho lô cá này. Trong khi, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc ngành Y tế) qua kiểm tra mẫu từ lô cá lại phát hiện có chất phenol, cấm dùng trong thực phẩm. Tranh cãi đến độ nhà chức trách phải đề nghị đưa ra Trung ương thẩm định.
Chủ lô cá là bà Lê Thị Thuộc khẳng định, 30 tấn cá nục nói trên được ngư dân đánh bắt xa bờ trên 30 hải lý và có chứng nhận hải sản đánh bắt ở vùng biển an toàn. Vậy nên, bà rất bất ngờ trước kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. Kết quả phân tích kiểm nghiệm của ngành chức năng Quảng Trị cho mẫu đại diện lô cá nục đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg.
Theo ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị, Phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.
Phát biểu sau vụ việc, ông Võ Văn Hưng- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, ngành nông nghiệp không theo dõi về tiêu chí Phenol trong thực phẩm. Về thẩm quyền này thì cơ quan y tế sẽ trả lời cũng như là xác nhận đối với lô hàng cụ thể. Việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn của ngành nông nghiệp chỉ mang tính tương đối. “Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì phải đi xét nghiệm mới biết được”- ông Hưng nói.
Thông tin phát hiện chất cấm Phenol trong lô cá nục đông lạnh được chứng nhận đánh bắt xa bờ, là hải sản an toàn kéo theo cuộc tranh cãi bất nhất giữa các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận và sự tham gia tích cực của các ngành chức năng địa phương và cả nước. Trước hết, cần ghi nhận tinh thần trách nhiệm của ngành y tế tỉnh Quảng Trị, khi giữ vững lập trường về chất cấm Phenol là không thể chấp nhận trong thực phẩm dù ở bất kỳ tỷ lệ nào để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân.
Nhiều chủ thu mua hải sản khác tại địa phương cũng lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng mau chóng kiểm tra, kiểm nghiệm để có kết luận về độ an toàn của hải sản mà họ thu mua sau thời kỳ cá biển chết hàng loạt ở bắc miền Trung. Tất cả các cơ sở thu mua hải sản ở tỉnh Quảng Trị trong những ngày qua đều cho rằng không thể vì đồng tiền mà cam tâm bán ra thị trường những thực phẩm hải sản chưa được kiểm nghiệm, chưa được kết luận là an toàn.
Tuy nhiên, diễn biến của vụ việc cũng cho thấy còn nhiều bất cập trong khâu giám sát, quản lý và phối hợp của các ngành chức năng địa phương trong việc đảm bảo chứng nhận an toàn cho hải sản đánh bắt xa bờ. Đặc biệt là trong thời điểm sau vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung còn trong thời gian điều tra làm rõ nguyên nhân.
Sự hiểu biết và quy định tiêu chuẩn về chất cấm Phenol trong thực phẩm cũng có độ vênh khá lớn giữa hai ngành Y tế và Nông nghiệp địa phương. Hệ quả là chủ trương của Nhà nước hỗ trợ, khắc phục tác động xấu do hiện tượng cá chết hàng loạt trước đó tới đời sống ngư dân và nhiều bộ phận cư dân có liên quan không được phát huy như kỳ vọng. Các chợ hải sản vốn đã trở nên trầm lặng sau hiện tượng cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở các tỉnh miến Trung, nay càng vắng vẻ hơn.
Không thể trách người dân bất an khi mà chính bản thân các ngành chức năng còn chưa thống nhất, chưa minh bạch về nhận thức và tự tin vào quy trình hỗ trợ ngư dân trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.
Việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ thông tin cho ngư dân để đảm bảo quy trình đánh bắt và lưu thông hải sản sạch trên thị trường là một trong những việc không chỉ đòi hỏi phải hết sức thận trọng mà còn phải kịp thời.
Ứng phó với các thảm họa môi trường đòi hỏi không chỉ sự phối hợp đồng bộ, mà còn yêu cầu cao về kiến thức khoa học cũng như các trang bị kỹ thuật cần thiết. Về việc này, các ngành chức năng cần phải dự liệu để ban hành các định chuẩn trong khâu kiểm tra, giám định và xét nghiệm trước công bố hay công nhận sản phẩm an toàn một cách có trách nhiệm và có cơ sở.
Sau sự cố tranh cãi gây bất an dư luận về lô cá nhiễm chất cấm Phenol ở tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế mới có yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị gửi mẫu ra Hà Nội để các viện chuyên môn đánh giá, thẩm định lại độc tính, mức độ nhiễm độc cũng như các sai số có thể xảy ra trong quá trình xét nghiệm trước đó.
Người dân lại phải tiếp tục chờ các cơ quan chức năng theo quy trình từ địa phương tới Trung ương để có kết luận cuối cùng. Trong khi cuộc mưu sinh ngày càng đang khắc nghiệt thì vẫn không thể dừng lại. Cuộc tranh cãi về chất Phenol trong lô cá nục 30 tấn còn chưa kết thúc thì vẫn còn rất nhiều tấn cá khác trong kho lạnh của bà Thuộc, của rất nhiều thương lái khác đang nằm im trong kho lạnh lâm vào thế nan giải. Người dân vì thiếu thông tin minh bạch, ngày càng ít lựa chọn cá biển cho các bữa ăn của gia đình mình, vì chưa chắc đã an toàn.
Hàm lượng Phenon 0,037 mg/kg cá chưa gây mất an toàn thực phẩm
Đó là khẳng định của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), được TS. Nguyễn Hùng Long- Phó Cục trưởng Cục này chính thức đưa ra chiều ngày 13/6 với báo giới khi được hỏi về quan điểm của cục về vụ phát hiện 30 tấn cá nục đông lạnh chứa chất được cho là “cực độc”- Phenon - ở Quảng Trị ngày 11-6 vừa qua. Trong vụ này, Sở NN&PTNT Quảng Trị cho rằng, chất Phenol không có trong quy định an toàn thực phẩm, còn Sở Y tế tỉnh này thì khẳng định Phenol là chất cực độc tuyệt đối cấm sử dụng.
Theo vị Cục phó Cục ATTP thì ngay sau khi phát hiện vụ việc, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị các sở nói trên báo cáo và đã nhận được báo cáo sơ bộ của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị. Theo đó, trong lô cá này, có mẫu chứa 0,037mg Phenon/kg cá nục. Phenon là chất rắn không mầu, tan trong nước, trong cả nước ngầm, bốc hơi trong không khí, có thể có trong tự nhiên hoặc tổng hợp được. Con người có thể bị phơi nhiễm phenon qua các nguồn không khí, qua nước, ăn uống, sinh hoạt, trong môi trường sản xuất ni lông, nhựa… Đối với thực phẩm, người ta có thể tìm thấy phenon trong xúc xích, thịt rán… Phenon có thể có tự nhiên trong thực phẩm như cà chua, lạc, chuối, các rau quả có màu, sữa,… với hàm lượng khá cao.
Chưa có bằng chứng cho thấy phenon gây ra ung thư. Với vụ việc phát hiện Phenon ở Quảng Trị, trong 1 mẫu cá nục có rất ít, chỉ là 0,037 mg/kg phenon thì tính ra với một người Việt Nam trung bình nặng khoảng 50-55 kg, ngày nào cũng ăn ít nhất 2 lạng cá này thì lượng phenon được đưa vào cơ thể “vẫn ở dưới mức ảnh hưởng sức khoẻ”- theo ông Long. Tuy nhiên ông Long cho biết sẽ lấy thêm một số mẫu nữa để kiểm nghiệm.Trần Ngọc Kha