Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ

T. Giang (ghi) 14/06/2016 10:00

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trong buổi trao đổi với báo chí mới đây tại TP HCM về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo ông Đông, cách tiếp cận mới hiện nay là quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thông qua hình thức kiến tạo. Lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Chỉ có khoảng 30 -40 % doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

PV: Thưa ông, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đang mong muốn cộng đồng SME lớn mạnh thông qua ưu đãi bằng Luật Hỗ trợ SME, vậy chính sách này có vi phạm nguyên tắc thương mại quốc tế hay không?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Thương mại trong và ngoài nước không ngừng tăng lên, vì thế rất cần có các văn bản pháp lý phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để DN kinh doanh hiệu quả hơn. Nhận thức rõ ý nghĩa thực tế của các chính sách hỗ trợ DN, Bộ được giao là đơn vị chủ trì lấy ý kiến cho dự thảo Luật Hỗ trợ SME.

Các đơn vị đã nghiên cứu kỹ đâu là hành lang pháp lý phù hợp với định chế thế giới, thông lệ cũng như tập quán quốc tế. Không thể ban hành luật hỗ trợ rồi để DN vướng vào các vụ kiện bán phá giá hay vướng vào việc trợ giá cho DN không đúng quy định sân chơi chung.

Sẽ có một cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện điều phối hoạt động hỗ trợ đảm bảo tính nhất quán, tập trung nâng cao khả năng hỗ trợ. Việc thực hiện Luật này sẽ có nhiều bộ ngành khác cùng tham gia thực hiện và giám sát các hoạt động như Thanh tra Chính phủ, kiểm toán nhà nước, hiệp hội, DN… nhằm đảm bảo tính khách quan.

Trong dự thảo Luật Hỗ trợ SME ghi rõ các ngân hàng cam kết cho SME vay vốn. Nội dung này có làm mất tự do kinh doanh của ngân hàng do ngân hàng cũng là doanh nghiệp?

- DN lớn có kinh tế, tài chính ổn định nên không cần sự hỗ trợ nhưng SME vừa thiếu và yếu không đủ điều kiện phát triển thì không đạt được 2 trọng trách tạo công an việc làm, đóng góp ngân sách. Đặc biệt, có nhiều DN khởi nghiệp với sản phẩm giá trị công nghệ , trí tuệ nhưng thiếu vốn để thương mại hóa cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp không phải làm từ thiện cho các DN khác. Ngoài ra ngân hàng còn có đặc thù riêng là cung cấp dịch vụ đặc biệt cho xã hội, đảm bảo cung cấp tài chính kinh tế xã hội. Trong khi đó muốn tồn tại và phát triển tốt hệ thống ngân hàng phải có mối quan hệ qua lại với tạo nền tảng kinh tế bền vững. Ngân hàng có vốn mà không cho vay được lấy tiền đâu mà trả lãi suất.

SME Việt Nam chiếm đến 97% nhưng chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Điều này chứng tỏ hệ thống ngân hàng không làm tròn trách nhiệm của mình là cung ứng vốn ra nền kinh tế. Liên quan đến hỗ trợ tài chính cho SME, trong dự thảo Luật Hỗ trợ SME chỉ giới hạn một số ngân hàng tham gia chứ không ngân hàng nào làm cũng được. Bên cạnh nguồn vốn ngân hàng còn có nhiều chính sách khác hỗ trợ cung cấp dịch vụ tài chính cho SME.

Trường hợp dự thảo Luật Hỗ trợ SME thông qua và Luật này có hiệu lực, vậy liệu tính khả thi trong thực hiện như thế nào? Bởi vì có nhiều luật ra đời nhưng tính thực thi rất kém, thưa ông?

- Hiện có nhiều chính sách nằm rải rác ở nhiều bộ, ngành khác nhau, mỗi nơi làm một mảnh, một mẩu. Đơn cử, Bộ kế hoạch và đầu tư đang làm hỗ trợ SME đào tạo, quản trị DN, quy định về pháp luật trong quản trị DN. Bộ Công thương phụ trách tuyến công, tiếp thị thương mại, hỗ trợ triển lãm, tiếp cận thị trường, thông tin thị trường. Bộ Tư pháp thì phổ biến tuyên truyền pháp luật cho DN…

Trong một số trường hợp chỉ DN khỏe mới dễ dàng tiếp cận, còn lại là cơ chế xin - cho vì chưa được luật hóa. Cách tiếp cận mới hiện nay, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thông qua hình thức kiến tạo. Lấy DN là đối tượng phục vụ và đây là dịch vụ công thiết yếu mà Chính phủ phải cung cấp cho cộng đồng SME. Thực ra, dịch vụ công này đã có ở các quốc gia khác nhưng Việt Nam lại chậm hơn. Tuy nhiên, chậm vẫn còn hơn không có. Tôi hy vọng, khi dự thảo Luật Hỗ trợ SME được thông qua sẽ tạo điều kiện DN phát triển hơn.

Chúng tôi tiếp tục ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện và trình Quốc hội khóa 14, vào thàng 10/2016.

Trân trọng cảm ơn ông!

T. Giang (ghi)