Luật pháp quốc tế và một châu Á năng động
Ngày 14/6, tại Hà Nội, Hội thảo khu vực của Hội Luật Quốc tế châu Á do Học viện Ngoại giao và Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: VOV).
Với chủ đề “Luật pháp quốc tế và một châu Á năng động”, Hội thảo quy tụ hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm các quan chức, luật sư và học giả.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết và thực hiện hiệu quả nhiều điều ước quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau đồng thời tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế.
Hội thảo là cơ hội để Việt Nam chuyển tải thông điệp chính sách đến các đại biểu trong và ngoài khu vực, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm, quan điểm của Việt Nam về luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới luật gia Việt Nam trao đổi cùng các đồng nghiệp nước ngoài về việc thúc đẩy xây dựng và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao bày tỏ hi vọng các đại biểu sẽ đóng góp nhiều ý kiến vào thảo luận một cách xây dựng về các chủ đề, thách thức hiện nay trong khu vực, như thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, quản lý và giải quyết tranh chấp chủ quyền, biển, thực hiện luật quốc tế về quyền con người, bảo vệ mội trường và chống ô nhiễm xuyên biên giới cũng như nâng cao việc quyền sở hữu trí tuệ tại châu Á.
Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày, gồm 12 phiên với hơn 50 bài tham luận về các lĩnh vực khác nhau của luật pháp quốc tế, từ giải quyết tranh chấp thương mại, luật kinh tế quốc tế,tư pháp quốc tế đến các chủđề như quyền con người, luật biển, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và luật môi trường quốc tế.
Trong ngày hôm nay, các đại biểu đã thảo luận các phát triển mới trong lĩnh vực luật kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại, sở hữu trí tuệ, luật môi trường quốc tế và luật quốc tế về quyền con người.
Hội thảo cũng dành riêng hai phiên thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 – hai phát triển mới trong khu vực.