Không dừng lại ở những lời hứa
Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đang hoàn thiện những con số cuối cùng để tiến hành tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ T Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, vấn đề đặt ra lúc này với đội ngũ những người làm công tác Mặt trận Hà Nội là tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình không chỉ trong việc giám sát lời hứa của các đại biểu dân cử mà còn là c
Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp
PV: Thưa ông, cho đến thời điểm này, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, trước đó, nhiều địa phương đã phải tiến hành bầu thêm, bầu lại, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng Luật Bầu cử…Với Hà Nội, câu chuyện này có gì mới?
Ông Vũ Hồng Khanh: Có thể nói, cho đến thời điểm này, công tác bầu cử của TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi có lý do để khẳng định như vậy. Trước hết phải nói đến năm bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu nhân sự, Hà Nội đã thực hiện theo đúng các quy định của Luật.
Kể cả về thời gian, cũng như quy trình thực hiện các bước từ thành phố đến cơ sở. Năm bước hiệp thương đã đảm bảo yêu cầu về dân chủ, yêu cầu về công khai minh bạch. Người dân rất quan tâm đến công tác bầu cử cho nên trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp để hiệp thương lấy ý kiến thống nhất chốt danh sách, cử tri và các đại biểu được mời tham dự rất đông đủ, điều này thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng chính quyền. Hơn nữa, công tác chuẩn bị bầu cử được các cơ quan ban ngành, đoàn thể tham gia rất tích cực.
Chính vì vậy, việc thống nhất được danh sách cuối cùng là một tín hiệu tích cực để nhân dân biết và ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân khi tỉ lệ cử tri đến bầu cử tại các điểm bỏ phiếu và tỉ lệ bình quân chung đạt rất cao, cao hơn các kì trước.
Tôi muốn nói điều này vì trước đó trên mạng xã hội cũng có một vài ý kiến cho rằng cuộc bầu cử của chúng ta chưa thực sự dân chủ, chưa thực sự là đại diện của dân. Nhưng chính việc người dân đi bỏ phiếu đông như vậy đã thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu chế độ và là câu khẳng định chắc chắn nhất để giải đáp cho một vài băn khoăn trước đó.
Hà Nội đã chọn ra được số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội đảm bảo theo đúng yêu cầu. Đối với Hội đồng nhân dân, có một vài đơn vị phường, xã, thị trấn chưa đủ số lượng đã tiến hành bầu thêm. Cho đến giờ phút này kết quả cơ bản tương đối tốt. Chính vì vậy, chúng tôi khẳng định, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp.
Không có “thế giới riêng” cho người tự ứng cử
Quay trở lại với công tác hiệp thương, thời điểm đó TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có hàng chục người tự ứng cử nhưng sau khi chốt danh sách cuối cùng chỉ còn lại vài người. Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội đã dựa vào những tiêu chí, thực hiện quá trình hiệp thương như thế nào để lập danh sách cuối cùng cho cử tri lựa chọn?
- Đối với những người tự ứng cử, chúng tôi rất trân trọng. Phải thấy rằng, chúng ta không có một “thế giới riêng” hay “những khoảng chờ” khác nhau giữa hai đối tượng này.
Chúng tôi đặt lên hàng đầu tiêu chí không phân biệt ứng cử viên tự do và ứng cử viên được giới thiệu, vấn đề lúc này là làm sao xác định được ứng cử viên nào tiêu biểu hơn. Muốn thế phải có các tiêu chuẩn.
Luật có các quy định rất cụ thể, hướng dẫn rất rõ về tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND. Căn cứ thứ 2 là căn cứ vào kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, đó là căn cứ vào thành phần, số lượng, cơ cấu.
Trong đó, có các đại diện cho các tầng lớp, các đối tượng, cũng có cơ cấu cho những người tự ứng cử. Những ứng cử viên tự ứng cử này có thể có rất nhiều nhưng trong cơ cấu không thể quá tỷ lệ hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã xác định. Vì vậy khi phân tích trong cơ cấu cần đảm bảo đầy đủ các gương mặt có tính đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Căn cứ thứ 3, đây là sự lựa chọn của nhân dân.
Nói “lựa chọn của nhân dân” khi mà chưa bầu thì có vẻ vô lý? Nhưng nhìn lại quá trình thì hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất khi người ứng cử được lấy ý kiến nơi cư trú đã là một sự lựa chọn, sau đó đến bước lấy ý kiến nơi công tác. Trong việc lấy ý kiến nơi công tác, cư trú có một số ứng cử viên tự ứng cử đã không đạt được tỷ lệ tín nhiệm trên 50%. Nghiễm nhiên những trường hợp đó phải xem xét không đưa vào danh sách để thông qua lựa chọn chính thức.
Trong hội nghị hiệp thương lần thứ 3 các đại biểu khẳng định phải lấy số phiếu tín nhiệm trên 50%. Và ngay bản thân các hội nghị hiệp thương cũng là một ý kiến rất quan trọng, là sự biểu thị mong muốn của nhân dân. Tất cả các đại biểu dự hội nghị hiệp thương đều là đại diện của cử tri, của nhân dân.
Chính vì vậy, một trong những tiêu chí rất quan trọng để lựa chọn chính là ý kiến của người dân, ý kiến của các hội nghị lấy ý kiến cử tri, ý kiến các hội nghị hiệp thương, căn cứ vào tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng để Mặt trận chọn ra những đại biểu tiêu biểu.
Giám sát lời hứa của đại biểu dân cử
Một trong những điều cử tri quan tâm nhất lúc này- sau bầu cử thành công là câu chuyện đại biểu dân cử thực hiện lời hứa với dân. Với trách nhiệm của mình, Mặt trận sẽ tiếp tục thể hiện vai trò như thế nào trong việc giám sát lời hứa của các đại biểu dân cử, thưa ông?
- Người dân- cử tri đòi hỏi như vậy là hoàn toàn đúng và ngay bản thân Mặt trận cũng đang đòi hỏi như vậy.Tại kỳ họp HĐND lần thứ nhất, tôi đã đề cập đến câu chuyện này. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội, cá nhân tôi rất mong các đại biểu đã trúng cử luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, tiên phong chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bản thân họ là những người đã tham gia vào quá trình vận động bầu cử, đã hứa với dân thì chính họ chứ không ai khác phải là người hoàn thành xuất sắc các chương trình đã đề ra. Nhưng vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở những lời hứa mà còn cao hơn lời hứa.
Lời hứa của các đại biểu dân cử là những điều mình đã biết, còn những điều chưa biết như khi phải đứng trước thử thách cam go của cả dân tộc, của thủ đô trong thời gian tới thì người đại biểu của dân phải là người lăn lộn với dân để nắm được ý chí, nguyện vọng của nhân dân từ đó tham gia giải quyết những thách thức, đóng góp để xây dựng các chủ trương, chính sách có hiệu quả cho đất nước, quê hương.
Thực tế, việc Mặt trận giám sát sau bầu cử đã được Luật quy định. Thứ nhất, trên cơ sở các đại biểu đã trúng cử, chúng tôi sẽ giám sát các đại biểu thực hiện chương trình hành động của mình tới đâu.
Trên cơ sở đó, có những ý kiến đóng góp. Thứ hai, chúng tôi là những người được Luật giao cho nhiệm vụ tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, đồng thời cũng là những người chủ trì khơi ra ý kiến để làm sao cử tri nói lên được tiếng nói của mình và tạo thuận lợi để cho các đại biểu dân cử có điều kiện lắng nghe được những ý kiến của người dân sát hơn.
Giám sát sau bầu cử là nhiệm vụ, là trách nhiệm của Mặt trận. Trong quá trình tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận sẽ đóng góp ý kiến sao cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có điều kiện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!