Mường Tè (Lai Châu): Chủ động trồng rừng
Nằm ở Tây Bắc của Tổ quốc, huyện Mường Tè (Lai Châu) có tổng diện tích đất tự nhiên là 267.934,16ha, chiếm 30% diện tích tự nhiên của tỉnh, diện tích đất lâm nghiệp là 258.102,8ha, chiếm 96,3% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng 164.386,5 ha, chiếm 61,3%, đất trống không có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 93.716,3 ha, chiếm 38,7%.
Năm 2016, tỷ lệ che phủ rừng ở huyện Mường Tè đạt 62%.
Điều đáng ghi nhận ở Mường Tè là công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nếu năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) chỉ đạt 50%, thì đến năm 2016 đã tăng lên 62%, trở thành địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho đời sống người dân.
Theo ông Tống Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè: Huyện giữ được tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và chỉ tăng mà không giảm. Tính đến năm 2015, trung bình một hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng ở huyện được chi trả 7,4 triệu đồng/năm. Huyện đã tiến hành giao khoán đến xã, bản và tới từng hộ gia đình, với gần 18.000 lao động tham gia, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân, theo đó việc đốt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên hơn.
Thông qua việc thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh chính trị và trật tự ở nông thôn. Việc bảo vệ và phát triển rừng ở các xã biên giới góp phần cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia. Đã triển khai khoán bảo vệ rừng 164.386,5 ha; khoán khoanh nuôi rừng 21.373,1ha. Diện tích khoanh nuôi rừng sau đầu tư, đã và đang chuyển trạng thái đạt kết quả khá cao.
Đạt được kết quả đó, theo lãnh đạo huyện Mường Tè, trong những năm qua Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giao cho đồng bào các dân tộc bảo vệ rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng hằng năm đạt 2% trở lên.
Xã Mù Cả (Mường Tè) là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu với hơn 38.000 ha. Trên 440 hộ dân ở đây nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được thụ hưởng chính sách DVMTR. Diện tích rừng ở xã phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn, tập trung ở những địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, nên chúng tôi xác định, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; các cấp ủy, chính quyền thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mỗi người dân; xử phạt nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng nên công tác bảo vệ rừng tại địa phương rất hiệu quả.
Do chủ động và có nhiều biện pháp hiệu quả nên nhiều năm qua, huyện Mường Tè đã không xảy ra cháy rừng, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy cũng đã giảm đáng kể.