Lời cán bộ nói thấm thía lắm!
Còn nửa tiếng nữa mới tới giờ họp, nhưng nhà văn hóa xã hôm ấy đã rất đông thanh niên, cả những người già cũng có mặt. Họ xì xầm bán tán, chả biết hôm nay có việc gì mà trưởng thôn, cả cán bộ xã vận động bà con đến đây đông thế.
Ảnh minh họa.
Một lúc sau, khi câu chuyện vơi dần, thấy một đoàn cán bộ về, họ mang theo lỉnh kỉnh máy móc. Theo lời giới thiệu của ông phó chủ tịch xã thì đây những cán bộ khuyến nông của huyện, họ về để hướng dẫn bà con áp dụng phương thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cửa được đóng kín, máy bật lên và cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con từng chi tiết trên cái màn hình to bằng nửa cái phông trang trí ở hội trường nhà văn hóa xã.
Giọng cán bộ rõ ràng, rành mạch:
- Ngô là loại cây cao, ưa ánh nắng, dễ đâm xuống đất nông, chủ yếu dùng chất dinh dưỡng ngay trên lớp trên của đất và ưa nhiều phân đạm còn đậu lại khác hoàn toàn, loài cây này ưa bóng râm, bộ rễ cắm sâu xuống đất có thể hút chất dinh dưỡng ở tầng dưới đất, lượng phân đạm cũng không cần nhiều vì vậy khi bà con trồng ngô và đậu nó sẽ bổ sung cho nhau và cho hiệu quả kinh tế tốt…
Lời cán bộ nói đến đâu, Sùng Mí và mọi người nghe thấm đến đó. Anh cứ tấm tắc, đúng là cán bộ học nhiều cái chữ nên giỏi quá…Lâu nay mình cứ nghĩ cứ gieo cái hạt ngô xuống đất rồi chăm bón là nó lên cây, trổ bắp, mình đâu biết phải có kỹ thuật thì cái bắp mới to, cái hạt mới mẩy như lời cán bộ vừa nói thế.
Theo lời Sùng Mí thì trước đây trong thôn mình nhà nào cũng nghèo. Nghèo vì sinh đông con, nghèo vì một năm thu hoạch có mỗi vụ lúa và một vụ ngô nên chẳng bao giờ no đủ. Thế rồi, cán bộ khuyến nông, cả cán bộ Trung tâm Dân số kế hoạch hóa của huyện về nói chuyện với bà con.
Những lời nói dễ gần, dễ hiểu vừa đủ lý lại đủ tình khiến nhiều người bắt đầu nghe ra. Và sau những buổi tư vấn đó, cán bộ mang cả máy móc về như một hình thức “cầm tay chỉ việc” giúp cho bà con hiểu được cách thâm canh một năm hai vụ, cách trồng xen canh một số cây như ngô, lạc, đậu tương… Lời cán bộ nói dễ nghe, dễ hiểu nên bà con chẳng ai bảo ai đều làm theo.
“Chúng mình bảo nhau, đẻ ít thôi để còn làm giàu, đẻ nhiều con mà không lo được cho nó thì khổ lắm. Như vợ chồng Thào A Lềnh đó, vợ nó sinh con gái, nhưng hai vợ chồng nhất quyết không sinh thêm đứa thứ ba để lo làm giàu. Có lớp tập huấn nào là họ cũng tham gia rồi về làm theo. Giờ cứ nhìn ruộng ngô, lúa của Lềnh là mình biết, họ bắt đầu giỏi như lời cán bộ nói rồi”, Sùng Mí nói.
Những đổi thay này, ông trưởng thôn có lẽ là người phấn khởi hơn cả.
Chính ông là người vận động gia đình mình làm trước. “Mình là trưởng thôn phải làm trước thì bà con mới tin và làm theo chứ”. Mình học ít, không hiểu biết nhiều như cán bộ nhưng cứ nhìn cái ruộng ngô xanh tốt là biết, lời cán bộ nói thấm thía lắm. Cái sợi dây đói nghèo bao năm “trói” bà con trong thôn này cũng sắp được cởi rồi.