Phá rào cản để DN Dược cạnh tranh công bằng
Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, thậm chí “khốc liệt” nhưng ngành dược phẩm Việt Nam vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ cho nhiều DN. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cần phải dỡ bỏ các rào cản, tạo môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, tạo điều kiện cho hoạt động của các DN.
Photo lá thư chỉ đạo ngầm gây hoang mang dư luận (ảnh báo Pháp luật Việt Nam).
Mất niềm tin trong hoạt động đấu thầu
Theo thống kê của Bộ Y tế, doanh số bán thuốc của bệnh viện chiếm khoảng 70% thị phần bán lẻ, bởi thế hầu hết các DN sản xuất và phân phối thuốc đều muốn thắng thầu trong việc cung cấp thuốc vào bệnh viện. Đấu thầu thuốc cũng chính là vấn đề nổi cộm trong ngành dược thời gian qua. Nguyên nhân không nằm trong phân khúc sản xuất thuốc mà chủ yếu tập trung ở khâu phân phối.
Thực tế cho thấy, hoạt động đấu thầu thuốc hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập, nhất là về giá thuốc, về danh mục thuốc. Công tác đấu thầu mua sắm thuốc còn một số tồn tại, có quá nhiều hội đồng đấu thầu thuốc dẫn đến loại thuốc có nhiều giá, giá thuốc khác biệt giữa các địa phương (63 tỉnh có khoảng 700 đến hàng nghìn hội đồng đấu thầu thuốc).
Bên cạnh đó, một số nơi có tình trạng độc quyền, nhà phân phối tự định giá, áp đặt giá; tỉ trọng thuốc trong nước sản xuất còn thấp; giá thuốc kế hoạch không hợp lý…
Ở một góc độ khác, có cả những hiện tượng thông đồng trong đấu thầu thuốc theo chiều dọc giữa bên mời thầu (bệnh viện) và các nhà thầu và theo chiều ngang giữa các DN chuyên cung cấp một dòng sản phẩm riêng, thậm chí cả bên bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dùng sức ép của mình cho các bệnh viện…
Liên quan đến vấn đề này, dư luận đang xôn xao về lá thư được gửi cho các Trưởng phòng Giám định BHXH 63 tỉnh, thành phố, ngày 24/4/2016, cách đây vài tháng ngay sau khi có Thông báo về việc tham gia xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 khuyến cáo các DN không nằm trong Danh mục Bảo hiểm y tế.
Theo đó, trong thư yêu cầu: Chỉ đạo cán bộ tham gia vào Hội đồng xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2016 không đưa dạng đóng gió “ống nhựa”của các loại thuốc vào kế hoạch đấu thầu. Chỉ ghi chung là “thuốc tiêm dạng ống/lọ/chai”; Tạm thời chưa đưa thuốc Cerebrolizate vào kế hoạch đấu thầu. Thư cũng đồng thời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định Gliatilin (hoạt chất Choline alfoscerate).
Lá thư chỉ đạo ngầm đã gây hoang mang dư luận bởi lẽ nó được gửi từ Ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế, cơ quan không có quyền can thiệp vào việc này, vì sản phẩm do Bộ Y tế và Cục quản lý Dược cấp phép và việc đưa vào đấu thầu là do các bệnh viện, cơ sở y tế lựa chọn từ danh mục các doanh nghiệp đưa lên.
DN muốn cạnh tranh công bằng
Dù rất muốn nhưng doanh nghiệp không thể được cạnh tranh công bằng trong môi trường mà bản thân nó đã chứa nhiều mâu thuẫn, phân chia thậm chí là bảo bọc.
Quay lại với lá thư mà các Trưởng phòng Giám định BHXH 63 tỉnh, thành phố, Trung tâm giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực Bắc và Nam đã nhận được ngày 24/4 vừa qua để thấy nội dung của nó có quá nhiều mâu thuẫn.
Thứ nhất, theo lá thư, hiện có rất nhiều thuốc sử dụng dạng đóng gói ống nhựa nhằm tạo tình trạng độc quyền, có giá cao bất hợp lý so với dạng ống tủy tinh. Trên thực tế, không có cơ sở nào để khẳng định thuốc đóng gói dạng ống nhựa là độc quyền. Hiện nay có rất nhiều DN đã và đang đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc tiêm ống nhựa với nhiều sản phẩm khác nhau. Đây là những doanh nghiệp tiên phong đã đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới chứ hoàn toàn không phải độc quyền.
Hay việc mang ra so sánh “có giá cao bất hợp lý so với ống thủy tinh” cũng là điều mâu thuẫn bởi bản thân hai loại này đã khác nhau từ dây chuyền sản xuất đến lợi ích kinh tế mà nó mang lại.
Hay như nội dung: “nhiều tỉnh đang đưa thuốc Cerebrolizate không có số đăng ký vào sử dụng”. Có thể khẳng định, không có một sản phẩm nào không có số đăng ký mà lại được lưu hành, đưa vào sử dụng. Vậy tại sao không thể đưa nó vào kế hoạch đấu thầu?
Lá thư cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định Gliatilin (hoạt chất Choline alfoscerate) chỉ vì thuốc này có chi phí rất lớn (nằm trong Top 20 thuốc có chi phí lớn nhất toàn quốc). Vậy tại sao không kiểm sóat các DN còn lại mà chỉ mình Gliatilin?
Những phân tích trên cho thấy rõ ràng bản thân các DN chưa bao giờ được cạnh tranh công bằng. Lẽ ra các sản phẩm và công nghệ tiên phong, do trong nước sản xuất thay thế hàng nhập ngoại đã được chi trả bảo hiểm y tế nhiều năm cần phải được khuyến khích và nhân rộng nhưng lại bị chỉ đạo “là độc quyền giá cao và không đưa vào kế hoạch đấu thầu”; sản phẩm được Cục quản lý Dược cấp quota theo chuyến nhằm phá vỡ thế độc quyền của sản phẩm khác thì bị quy “ không có số đăng ký và Bộ Y tế chưa trả lời rõ ràng có thuộc phạm vi thanh toán BHYT hay không”; các sản phẩm hiệu quả tốt, giá hợp lý thì lại bị hạn chế sử dụng…
Vì có quá nhiều những bất cập trong đấu thầu dẫn đến việc DN coi đó như là “luật bất thành văn”. Đại diện công ty TNDP Hữu Nghị (đơn vị phân phối thuốc Gliatilin bị chỉ định kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định được nhắc đến trong lá thư) cho rằng, việc không nằm trong danh mục thuốc đấu thầu và không thắng thầu là thiệt thòi cho DN nhưng những DN nhỏ như Hữu Nghị không còn cách nào khác là phải khai thác thêm thị trường bên ngoài để tồn tại và phát triển dù cũng rất khó khăn.
Dược Hậu Giang cũng như nhiều đơn vị khác không thể trụ nổi cơ chế ngầm đã phải vươn ra ngoài để lớn mạnh.
Mong muốn xóa bỏ các rào cản, được cạnh tranh trong môi trường công bằng, minh bạch là mong muốn của tất cả các DN không chỉ trong ngành y tế mà trong bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên đây vẫn là một câu hỏi lớn, cần sự chung tay của các cấp, bộ ngành và chính bản thân các DN.