Chỉ rõ những địa chỉ gây lãng phí

Việt Thắng 16/06/2016 09:05

Đó là đề nghị của đa số các vị đại biểu phát biểu tại phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội  họp cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, diễn ra ngày 15/6. Báo cáo về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật, tiêu chuẩ

Chỉ rõ những địa chỉ gây lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn đề lãng phí cần
chỉ rõ ra “địa chỉ”, tránh việc chỉ nêu chung chung là một số địa phương,
một số nơi, dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm. (Ảnh: Báo Thanh Tra).

Bộ máy cồng kềnh làm nặng gánh ngân sách

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí; tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm, kết quả chưa cao. Quá trình tái cơ cấu, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác quy hoạch và quản lý, khai thác, sử dụng đất đai ở một số địa phương còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm pháp luật, lãng phí đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. “Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức chậm trễ trong việc tổng hợp, báo cáo, đánh giá việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí hàng năm”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều hành NSNN. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN lớn (67,7%).

Ông Hải dẫn chứng: Công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển. Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vẫn còn khá phổ biến; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính phiền hà chưa được loại bỏ, gây bức xúc trong nhân dân. Việc thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ lao động, viên chức hành chính còn chưa nghiêm, có biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

Làm rõ 4 dự án gây lãng phí

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo cần phải làm rõ những nơi làm tốt, nơi chưa tốt để xử lý, và xử lý nghiêm minh người đứng đầu. “Vừa qua dư luận và nhân dân phản ánh Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Tơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Sản xuất xăng Ethanol ở một tỉnh phía Bắc gây lãng phí. Trong việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại đơn vị trên bây giờ đã luân chuyển đi đâu? Giờ làm gì khi có dấu hiệu để thất thoát lãng phí như thế?”- Bà Nga đặt vấn đề. Bà Nga cũng cho rằng, vị trí việc làm là để biết một ví trí cần bao nhiêu người? Tại sao đề án vị trí việc làm bây giờ chưa hoàn thành, cơ quan nào chưa làm? Vậy tắc ở đâu? Theo bà Nga: “Nếu không làm được cái này thì không giải quyết được cồng kềnh của bộ máy”.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, mua sắm sử dụng tài sản công và xe công là vấn đề người dân rất quan tâm nhưng Báo cáo của Chính phủ chưa cập nhật hết các bất cập. “700 xe công đã chuyển cho nơi chưa đủ hay bán đấu giá? Cần đánh giá thêm sử dụng xe có đúng hay không, kể cả xăng xe. Kiểm tra định mức thì có nhưng có đúng tiêu chuẩn quy định hay không? Nếu không người thực hành tiết kiệm sẽ bị thiệt thòi, tiêu chuẩn sử dụng xe công như thế nào cần công khai hóa để mọi người biết, và cán bộ trong cơ quan giám sát xem có thực hiện đúng hay không?”- ông Hiền nêu rõ.

Cũng theo ông Hiền, trong chi tiêu thường xuyên Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, qua kiểm toán tại 50 tỉnh, thành phố thì có 40 tỉnh chi vượt; trong đó có 6 tỉnh vượt 30%, có tỉnh vượt 75%, vậy xem thực hành tiết kiệm chưa khi chi tiêu vượt. Chúng ta tiết kiệm nguồn nhân lực thế nào khi đào tạo cơ bản có chất lượng cao lại để thất thoát? Mất công bồi dưỡng thì phải sử dụng như thế nào nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội trong đó có sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nói như lời Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Cần chỉ rõ những địa chỉ còn lãng phí chứ chỉ nói có một số địa phương thì cứ “trôi đi”, không thấy rõ trách nhiệm. Lãng phí trong cổ phần hóa doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực là lớn lắm từ quy hoạch đào tạo cho đến sử dụng, lãng phí thời gian là vô cùng lớn, rồi định mức tiêu chuẩn đối với công vụ”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Hải nêu rõ: Chúng ta nói chi ngân sách tài chính chưa nghiêm, vậy ở đơn vị nào? Phải chỉ rõ địa chỉ.

Phân bổ 5.460 tỷ đồng

Trong buổi chiều 15-6, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015; và nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, khoản 5.460 tỷ đồng tiết kiệm chi ngân sách trong năm 2015 là thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội. Theo đề nghị của Chính phủ, số tiền đó dùng để bù đắp số hụt thu 2.144 tỷ đồng; thưởng vượt thu cho 10 địa phương; và kinh phí để tăng lương là 2.100 tỷ đồng. Còn riêng 10.000 tỷ đồng đề nghị Chính phủ trình ra QH để QH quyết chi cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nợ tiền chính sách nhà ở cho người có công với tổng số tiền 6.900 tỷ đồng. Khoản thu cổ tức bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước còn lớn, là tài sản quốc gia và chỉ chi cho đầu tư phát triển.

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, số tiền 10.000 tỷ đồng phải báo cáo QH, nhưng cố gắng dùng số tiền đó để cứu xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, nếu được chi cho việc chống biến đổi khí hậu, ngập lụt, nước biển dâng, cũng như dành một khoản để lo nhà ở cho người có công, bởi đây là chỉ đạo của Trung ương phải thực hiện trong năm 2014 và 2015 mà hiện giờ chúng ta chưa lo được. “Khi đi tiếp xúc cử tri, rất nhiều đoàn nói chưa thấy được hỗ trợ. Tính toán của Bộ Xây dựng cho thấy mỗi năm dành 2.300 tỷ đồng là có thể xử lý được. Cho nên chúng ta cần quan tâm để lo cho người có công”- Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nói.

Với 100% đại biểu tán thành, UBTV Quốc hội đã thông qua chủ trương phân bổ khoản tiền 5.460 tỷ đồng theo đề nghị của Chính phủ. Còn 10.000 tỷ đồng Chính phủ sẽ trình ra để QH quyết định.

Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách nêu rõ: Theo Báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán”. Bày tỏ quan điểm cảm thấy buồn khi “thu thì ít, còn chi thì vượt”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, doanh nghiệp thì chuyển giá còn cơ quan tài chính thì lại chuyển nguồn. Như vậy là không minh bạch, chuyển hàng nghìn tỷ không rõ ràng nên không biết năm nào ngân sách thực hiện đúng? Năm nào chưa đúng trong khi nợ đọng thì nhiều. “Bản thân tài chính của ta không minh bạch, có nhiều khoản để ngoài ngân sách mà không báo cáo, chưa tính đến ODA sử dụng thế nào? Ngoại hối sử dụng ra sao khi hiện ngoại hối vẫn để ngoài ngân sách. Cho nên cần nghiêm túc thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật, không được du di. Chúng ta chỉ có một quyền là đúng pháp luật, và đúng Hiến pháp”- ông Lý nói.

Việt Thắng