Thượng viện Mỹ thỏa thuận bỏ phiếu về vấn đề súng đạn

16/06/2016 20:16

Các nghị sỹ đảng Dân chủ Mỹ đã tuyên bố một chiến thắng bước đầu trong hôm 16/6 khi buộc Thượng viện nước này phải xem xét về các biện pháp ngăn chặn các nghi phạm khủng bố mua được súng đạn trên đất nước này. Động thái được cho là có thể tạo thế đột phá trong cuộc tranh luận không hồi kết về súng đạn, xuất hiện sau sự kiện xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Thượng viện Mỹ thỏa thuận bỏ phiếu về vấn đề súng đạn

Sở hữu súng đạn là một cuộc tranh luận không hồi kết ở nước Mỹ (USnews).

Sau cuộc điều trần “marathon” kéo dài hơn 14 giờ thâu đêm hiếm thấy của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy (bang Connecticut) tại Thượng viện Mỹ, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rốt cuộc đã bị “khuất phục”. Theo đó, phe Cộng hòa chấp nhận sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật kiểm soát súng đạn với những điều khoản chặt chẽ hơn liên quan tới công tác rà soát thông tin người mua súng và kiểm soát chặt danh sách theo dõi khủng bố.

Thượng nghị sỹ Murphy, người đã nhận được sự ủng hộ từ 40 nghị sỹ khác gồm cả nghị sỹ đảng Cộng hòa Pat Toomey, đã bỏ ra nhiều giờ để thảo luận về các biện pháp giảm các vụ bạo lực liên quan tới súng đạn. Và đến rạng sáng hôm 16/6 (giờ Mỹ), ông đã tuyên bố chiến thắng của mình tại Thượng viện trên tài khoản Twitter cá nhân.

“Tôi tự hào khi tuyên bố rằng, sau hơn 14 giờ thảo luận, chúng tôi sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc kiểm tra tiểu sử chung và tiền án của những kẻ khủng bố” – ông Murphy nói.

Kết quả là, giới lãnh đạo của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhất trí “bỏ phiếu về một biện pháp nhằm đảm bảo rằng những kẻ trong danh sách theo dõi khủng bố không được mua súng”, cùng một điều khoản sửa đổi mà tỏng đó sẽ tăng cường kiểm tra tiểu sử tại các buổi bán súng và trên cả Internet.

Bước đột phá đang hình thành

Trước đây, việc thông qua một biện pháp mà Thượng viện Mỹ từng đưa ra nhằm ngăn chặn các nghi phạm khủng bố mua vũ khí và thuốc nỗ đã thất bại hồi tháng 12 năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu mà gần như tất cả các nghị sỹ đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu chống.

Nhưng giờ đây, một số nghị sỹ phía đảng Cộng hòa dường như đã suy nghĩ lại, trong số này có ông Bob Dold, người đang trong cuộc đua bầu cử khốc liệt tại bang Illinois.

“Những lời cầu nguyện là chưa đủ” – ông Dold nói trước Hạ viện Mỹ hôm 14/6 – “Đã đến lúc phải hành động”.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Toomey, người từng đề xuất một kế hoạch kiểm tra tiểu sử người mua súng nhưng thất bại hồi năm 2013 và 2015, đã cùng làm việc với các đồng nhiệm đảng Dân chủ để phá vỡ thế bế tắc này.

Hôm 15/6 vừa qua, nghị sỹ đảng Dân chủ Diane Feinstein còn đưa ra một biện pháp mới trong đó cho phép Tổng chưởng lý Mỹ có đủ quyền hạn để ngăn chặn việc mua súng hoặc chất nổ cho những kẻ bị nghi hoặc đã bị liệt vào danh sách khủng bố. Theo một báo cáo của chính phủ Mỹ, 90% số nghi phạm khủng bố hoặc những kẻ khủng bố thường bị bỏ qua phần kiểm tra tiểu sử khi mua súng; tính từ năm 2004 đến nay.

Trong khi phía đảng Cộng hòa thường phản đối các điều luật ngăn chặn mua vũ khí đối với những kẻ lọt vào các danh sách này, cho rằng nó sẽ xâm phạm quyền trong Bộ luật bổ sung thứ hai của mỗi người dân Mỹ, trong đó gồm những người bị đặt vào các danh sách theo dõi một cách không hợp lý.

Phản ứng từ Trump

Cùng ngày, ứng viện đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông hy vọng sẽ có bài phát biểu về vấn đề danh sách theo dõi khủng bố và hạn chế mua vũ khí. Đây là lần hiếm hoi mà ông tỏ ra khá nhún nhường về một vấn đề. Trump có thể sẽ phải thay đổi quan điểm về súng đạn sau khi các nhà điều tra phát hiện ra rằng kẻ xả súng ở Orlando đã mua súng một cách hợp pháp dù đã nằm trong danh sách theo dõi của FBI.

Điều này sẽ khiến Trump xung đột với Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA), tổ chức từng tuyên bố rằng các hạn chế “kiểu như cấm những người trong danh sách theo dõi mua súng là không hiệu quả, trái Hiến pháp hoặc cả hai”.

Hôm 15/6 vừa qua, Trump đã viết lên tài khoản Twitter của mình rằng: “Tôi sẽ có cuộc họp với NRA, tổ chức đã ủng hộ tôi, về việc không cho phép những kẻ trong danh sách theo dõi khủng bố hoặc danh sách cấm bay được mua vũ khí”.

Về phía đối thủ đảng Dân chủ của ông, bà Hillary Clinton, bà đã thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của mình đối với các biện pháp ngăn chặn bạo lực súng đạn: “Chắc chắn chúng ta phải nhất trí về điều này. Nếu như FBI đang theo dõi bạn vì nghi có liên hệ với khủng bố, bạn sẽ không thể mua được một khẩu súng. Chả cần có lý do nào khác”.