Phim tài liệu: Vẫn khó tiếp cận khán giả
Gắn bó với công việc quay phim và làm phim tài liệu, nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm rất trăn trở với cơ chế phát hành phim hiện nay. Trước thềm Ngày Báo Chí cách mạng Việt Nam, ông chia sẻ, thực chất làm phim thời sự - tài liệu và làm báo không có gì khác nhau. Nếu có, sự khác biệt đó chính là phim tài liệu vẫn đang rất khó để đến gần hơn với khán giả.
Nhà quay phim Nguyễn Văn Nẫm.
PV:Thưa ông, được biết đến với vai trò là một nhà quay phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, nhưng nhiều người cũng biết đến ông với bút danh nhà báo Lê Mai Phong. Theo ông, làm phim tài liệu và làm báo có gì khác nhau không? Với ông, 2 công việc ấy hỗ trợ lẫn nhau như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nẫm: Làm báo với phim thời sự - tài liệu không có gì khác nhau. Bởi phim thời sự cũng là những bài báo phóng sự; phim tài liệu là 1 bài báo được viết trong 1 hoặc nhiều trang. Với tôi 2 công việc này hỗ trợ cho nhau, như đi quay về thì phải về viết thuyết minh, làm phim tài liệu cũng vậy… không khác những bài báo.
Theo ông tại sao những bộ phim tài liệu của chúng ta lại ít được chiếu ở ngoài rạp vậy? Khán giả cho rằng cơ chế phát hành và chiếu phim tài liệu nói riêng, phim Nhà nước nói chung hiện nay nếu không thay đổi thì nhiều năm sau cũng vẫn tồn tại tình trạng phim làm xong để lưu kho?
- Tại sao phim tài liệu được ít chiếu? Vì thực chất ít nhiều phim tài liệu vẫn được nhà nước đặt hàng. Như nhiều người biết, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vẫn được bao cấp 100%. Rồi cơ cơ chế hiện nay cho thấy, chiếu phim ngoài rạp phải đặt ra mục đích lợi nhuận chứ. Trong khi có phải khán giả nào cũng mặn mà với phim tài liệu đâu…
Nhiều người bày tỏ quan điểm chúng ta cần gìn giữ những di sản điện ảnh. Đơn cử như tên tuổi của một hãng phim gắn liền với điện ảnh cách mạng của đất nước. Về chủ trương không cổ phần hóa Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương – quan điểm của ông và các đồng nghiệp ra sao?
- Về điện ảnh cách mạng mà nói, kể từ tháng 3/1953 Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập đến nay đã là hơn 60 năm rồi. Riêng về Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tôi cho đó cũng là cơ quan tuyên truyền, ngôn luận của Bộ VHTT&DL nên phải cố mà giữ. Trước kia cũng có chủ trương cổ phần hóa nhưng không được. Vì không ai, không doanh nghiệp hay tư nhân nào bỏ tiền ra mà đi làm phim tài liệu cả. Như đã phân tích ở trên, đã bỏ tiền làm phim (hay là làm một cái gì đó liên quan đến kinh doanh) thì cũng phải thu lại lợi nhuận chứ. Xu thế xã hội bây giờ là thế mà.
Cảnh trong phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (Ảnh: T.L).
Nói tới việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước, như câu chuyện của Hãng phim Truyện Việt Nam chẳng hạn, tôi thấy rất buồn. Vì bạn bè tôi có tới hơn 50% đều cùng lứa và cùng lớp trong đó. Bán đấu giá cái miếng đất, lớn lao hơn là một thương hiệu điện ảnh với giá tiền đã nêu thì rẻ quá.
Tôi suy nghĩ riêng thôi, rằng nếu như kinh doanh phim tài liệu thì tôi cũng chưa nghĩ ra là quảng cáo vào chỗ nào để đem lại lợi nhuận. Gắn bó với phim tài liệu lâu, tôi thấy cái khó của phim tài liệu là như vậy! Ấy là chưa kể bây giờ các chế tài, hay chính sách liên quan tới điện ảnh cũng chưa thực sự rõ ràng để quản lý.
Tâm huyết với phim tài liệu, từ sau khi nghỉ hưu ông có còn tiếp tục làm phim nữa không?
- Sau khi nghỉ hưu cảm thấy thoải mái, vì sau hơn 40 năm qua bản thân tôi cũng đã đóng góp cho đất nước và cho xã hội một số những tư liệu điện ảnh tài liệu để thế hệ sau biết đến. Tôi vẫn cộng tác làm phim với Hãng phim Hoạt hình VN, Điện ảnh Quân đội…
Bây giờ thi thoảng thế hệ trẻ tìm tới tôi để học hỏi kinh nghiệm, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Tôi mong truyền được nghề cho thế hệ sau và thực sự vui vì trong cơ chế thị trường vẫn còn có không ít người yêu thích công việc làm phim tài liệu.
Trân trọng cảm ơn ông!