Cả đời viết về miền núi
Đó là nhà văn Cao Duy Sơn, tác giả của những tác phẩm mang đậm hồn cốt của vùng cao, đặc biệt là vùng đất Cao Bằng, nơi có lũng Cô Sầu nổi tiếng. Những tác phẩm như “Ngôi nhà xưa bên suối”, “Hoa bay cuối trời”, “Đàn trời”… cho người ta thấy một Cao Duy Sơn mê đắm với con người, thiên nhiên và phong tục vùng cao.
Nhà văn Cao Duy Sơn trong một lần về thăm quê.
1. Tháng 4 vừa qua, nhà văn Cao Duy Sơn tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết mới nhất mang tên “Biệt cánh chim trời” (NXB Trẻ). Vẫn là những câu chuyện về vùng đất Cô Sầu (Trùng Khánh - Cao Bằng) - nơi tác giả có nhiều năm tháng gắn bó, cũng là nơi tác giả đã có nhiều trang viết ám ảnh. Ở đó, có số phận về người con gái đẹp của rừng, của những phận người phiêu dạt trong ám ảnh dục vọng và lẫm lỗi. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, ở cuốn sách này, “văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên”.
Sinh năm 1956, tên thật là Nguyễn Cao Sơn, nhưng vì tránh sự trùng tên với những người viết đi trước, ông phải chọn bút danh Cao Duy Sơn khi bước vào “trường văn”. Bây giờ thì cái tên Cao Duy Sơn đã trở nên quen thuộc. Và “người đàn ông ở lũng Cô Sầu” đã là tác giả của hơn chục đầu sách, cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Điều đặc biệt, các sáng tác của ông, như ông khẳng định: “Cả đời tôi chỉ đeo đuổi đề tài về người miền núi”, nhất là thung lũng Cô Sầu, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Đó cũng là cái nôi văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn Cao Duy Sơn, để ông cho ra đời hàng loạt những trang viết về vùng đất này và đoạt những giải thưởng cao quý như cuốn “Ngôi nhà xưa bên suối” từng được giải thưởng văn học ASEAN hay tiểu thuyết “Đàn trời” đã nhận được giải A của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007 và nhiều giải thưởng khác.
Biết nhà văn Cao Duy Sơn đã lâu, tính ông vốn trầm trầm, ít nói. Ông cũng không thuộc người thích xuất hiện trong các sự kiện ra mắt sách của giới văn chương. Dù sống ở Hà Nội đã nhiều năm nay, nhưng bóng dáng ông vẻ như ẩn nấp sau những màn sương mờ ảo của quê hương Cao Bằng. Tôi nhận ra một điều, Cao Duy Sơn có thể chậm, có thể rề rà trong nhiều thứ, nhưng khi nói chuyện về mảnh đất Cô Sầu của mình, ông nói nhanh, nói say sưa và đầy ắp những câu chuyện.
Ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Đó là một thị trấn cổ rất nổi tiếng. Nghiệp văn chương của tôi cứ bám lấy thị trấn Cô Sầu mà khám phá, viết mãi vẫn chưa thấy đủ, chưa thấy thấu cái tầng sâu văn hoá tiềm ẩn ở vùng đất này. Tôi viết như một sự trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ những người đã sinh ra mình, bè bạn, xóm giềng... Cả đời tôi, sẽ vẫn là những cuộc khám phá về Cô Sầu với những con người miền núi chân chất”.
Bìa 2 cuốn sách của Cao Duy Sơn.
2. Cao Duy Sơn cũng quan niệm: “Dù viết về đương đại hay quá khứ cũng phải hồn hậu, dung dị, không lên gân... bởi cuộc sống của người Cô Sầu chúng tôi vốn là thế. Có khóc cũng không om sòm; có giận dữ thì cũng phải giận theo đúng kiểu người miền núi. Tôi viết như một sự giải phóng năng lượng của bản thân, khám phá chất người Cô Sầu trong chính mình và khi viết thì nét văn hoá riêng của các dân tộc đồng hiện cùng câu chuyện, chứ không phải đi tìm sự cách tân A, B nào đó với hy vọng đoạt giải”.
Trên thực tế, không gian truyện của Cao Duy Sơn trải dài trong nhiều tỉnh, vào tận Đà Lạt, sang tận Trung Quốc, nhưng... vẫn là bám theo những bước chân của người Cô Sầu.
Có người đã “tư vấn” ông nên chuyển sang viết về một đề tài khác, như Hà Nội chẳng hạn. Viết mãi về vùng đất của mình, với những phận người ít người biết tới cũng dễ thành nhàm. Điều đó khiến Cao Duy Sơn phải suy nghĩ. Trong ông xuất hiện một cảm giác như là sự hẫng hụt. Trong khi trò chuyện với tôi, dường như ông vẫn còn nguyên sự hoang mang đó.
Ông đã hỏi lại tôi rằng, có nên chuyển hẳn sang một đề tài mới? Câu hỏi đầy vẻ nghiêm túc đó của ông khiến tôi bất ngờ. Nhưng tôi cũng đã nói với Cao Duy Sơn rằng, vùng đất Cô Sầu đó của ông là nơi một người như ông đã hiểu, đã có quá nhiều trải nghiệm, vậy thì tại sao lại phải cố tìm cố hiểu một vùng đất khác, trong khi ngoài tài năng, thời gian sống của một người thì có hạn. Mỗi người viết, nếu tạo ra được một cái “đặc sản” của riêng mình, thì đã là điều quý cho văn học.
Rồi ông tâm sự chân thanh: “Văn chương đó là một chuyến đi dài. Chuyến đi ấy, chỉ khi nào người viết dừng lại, không còn sống nữa, thì mới biết đâu là tác phẩm hay nhất của đời người cầm bút ấy. Mình đã viết về vùng đất mình được sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt mấy chục năm đầu đời đầy ắp những kỷ niệm. Bây giờ viết ra, mình thấy vui, vì qua đó, đã có nhiều người hơn biết, nhiều người tìm về cái lũng Cô Sầu heo hút của mình. Mình đã giới thiệu được vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học”.
Đã xa Cô Sầu 40 năm, nhưng Cao Duy Sơn rất hay về thăm quê. Ở đó, có gia đình, có bạn bè. Và về đó, ông lại được nghe những câu chuyện sống động của những người quê ông. Cao Duy Sơn đã viết hàng ngàn trang sách về vùng đất này. Nhưng ông bảo, vùng đất ấy còn quá nhiều chuyện, quá nhiều điều mình chưa thể khai thác được. Lịch sử vùng đất cả ngàn năm, mình chỉ hiểu được một phần rất nhỏ trong cái quá khứ chất chồng ấy. Vì vậy, viết mãi vẫn chưa thể chạm sâu vào Cô Sầu. Có lẽ đến chết vẫn chưa thể khai thác hết được. Ông cũng thừa nhận, có thể đó là do ông chưa đủ tài năng để thể hiện được.
Bởi thế, Cao Duy Sơn rất thận trọng khi viết. Dù có đứng lên ngồi xuống nhiều lần trên bàn viết nhưng nếu cảm xúc chưa tới, ông nhất quyết không cố ép. Bởi cố ép thì không thể ra sản phẩm tốt được. Ông muốn, cứ mỗi cuốn sách mới lại là thử nghiệm của riêng ông. Cũng còn bởi, ông muốn thử thách mình, và không muốn lặp lại, dù đó chỉ là một chi tiết, một câu chữ hay dùng.
Là người ít nói, lại càng kiệm lời khi nói về mình, ở tuổi 60 nhà văn Cao Duy Sơn vẫn khiêm tốn: “Bản thân tôi, một người con của miền núi, vậy mà cũng chỉ dám nhận là đang trong quá trình tích luỹ, khám phá để “mã hoá” những vỉa tầng văn hoá nguyên bản, hồn nhiên của người dân tộc đưa vào những trang văn”.