Ứng cử viên Tổng thống, tỉ phú Donald Trump nói về chính sách đối ngoại của chính quyền Barack Obama: Đường tới thảm họa

Hoàng Trung 18/06/2016 09:05

Mặc dù kết quả chính thức về ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ chỉ được công bố tại hội nghị đảng Cộng hòa tháng 7 tới, nhưng ở thời điểm hiện tại, ít ai hoài nghi về việc tỉ phú Donald Trump sẽ chính là gương mặt ấy. Trong một bài phát biểu dài, trình bày ngày 27-4 tại một hoạt động do tạp chí National Interest tổ chức, ông Donald Trump, đã bộc lộ những đánh giá rất thẳng thắn của mình về chính sách đối ngoại mà đương kim Tổng thống Barack Ob

Ứng cử viên Tổng thống, tỉ phú Donald Trump nói về chính sách đối ngoại của chính quyền Barack Obama: Đường tới thảm họa

(Minh họa: Bryant Arnold).

Theo ông Trump, hiện nay đã là thời điểm để “lau gỉ” cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ: “Đã đến lúc phải mời những người mới tới và xem xét những luận điểm mới.” Ông muốn hướng nước Mỹ quay trở lại “với một nguyên tắc bất di bất dịch”. Đó là, “luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân Mỹ và nền an ninh của nước Mỹ lên trên hết.”

Theo ông Trump, sau chiến tranh lạnh, chính sách đối ngoại của nước Mỹ đã lệch ra xa rất nhiều so với đường lối cần phải có: “Chúng ta đã không xây dựng được một chiến lược mới tương thích với kỷ nguyên mới. Theo dòng thời gian, chính sách đối ngoại của chúng ta ngày một trở nên kém phần tỉnh trí. Thay cho tính lô gích lại là sự ngu dốt và ngạo mạn, và điều này đã trở thành nguyên nhân gây ra rất nhiều thảm họa trong chính sách đối ngoại. Chúng ta đã đi từ những sai lầm ở Iraq, Ai Cập, Libya đến tận ranh giới đỏ cho Tổng thống Obama tại Syria. Tất cả những bước đó đã góp phần xô đẩy toàn bộ khu vực rơi vào hỗn loạn, tạo ra cơ hội nghìn năm có một để IS phát triển và hoành hành.”

Nguyên nhân dẫn tới thảm trạng đó, theo ông Trump, chính là ý tưởng nguy hiểm cho rằng, nước Mỹ có thể tạo ra một nền dân chủ kiểu phương Tây tại những quốc gia chưa từng có bất cứ một kinh nghiệm nào trong vấn đề này và không hề muốn trở thành các nền dân chủ theo kiểu phương Tây: “Thoạt tiên, chúng ta đã phá hủy các cơ sở hiện hữu tại đó rồi lại bắt đầu ngạc nhiên trước những sự diễn ra sau đấy. Nội chiến, tinh thần cuồng tín tôn giáo, hàng ngàn sinh mạng người Mỹ và hàng nghìn tỷ USD – đó là tất cả những gì mà chúng ta cuối cùng đã nhận được. Xuất hiện một khoảng chân không để IS sau đó đã nhanh chóng lấp đầy. Iran cũng đã cố gắng lấp đầy một phần của khoảng chân không đó và đã phát tài đáng kể trong quá trình này…”

Ứng cử viên Tổng thống Trump đánh giá: “Chính sách đối ngoại của chúng ta - đó là một thảm họa tràn đầy và tuyệt đối. Không có luận điểm, không có mục đích, không có phương hướng hay chiến lược gì cả.” Và ông đã chỉ ra 5 điểm yếu cơ bản trong chính sách đối ngoại mà Nhà Trắng hiện nay đang tiến hành.

Thứ nhất, đó các nguồn lực của nước Mỹ đã bị phân tán quá rộng. Ông Trump nhận xét: “Tổng thống Obama đã làm suy yếu tiềm năng quân sự của chúng ta khi làm suy yếu nền kinh tế. Ông ấy làm suy yếu đất nước bởi những chi tiêu không cần thiết, bằng những món nợ to lớn, bằng tốc độ tăng trưởng chậm, bằng thâm hụt thương mại khổng lồ và những đường biên giới mở. Cán cân thương mại tiêu cực của nền công nghiệp chúng ta đang tiến gần đến mốc một nghìn tỉ USD. Chúng ta đang tái cơ cấu các nước khác bằng cách làm suy yếu chính nước mình. Nếu chúng ta đặt được dấu chấm hết sự đánh cắp số lượng công ăn việc làm của người dân Mỹ, thì việc này sẽ cung cấp cho chúng ta những nguồn lực cần thiết để xây dựng lại quân đội và tăng cường sự độc lập về tài chính của chính mình và tiềm lực đất nước. Tôi là ứng viên duy nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống này hiểu được vấn đề đó và biết cách làm thế nào để giải quyết nó.”

Donald Trump cũng phàn nàn rằng, điểm yếu thứ hai trong đối ngoại của nước Mỹ là ở chỗ, họ đã để cho các đồng minh xao lãng phần đóng góp thích đáng vào hệ thống an ninh chung: “Các đồng minh của chúng ta bắt buộc phải đóng góp một phần hợp lý các chi phí tài chính, chính trị và xã hội mà hệ thống an ninh khổng lồ chung đòi hỏi. Nhiều người trong số họ lại hoàn toàn không làm như thế. Họ coi Mỹ là một nước yếu sẵn sàng chín bỏ làm mười và không cảm thấy mình có trách nhiệm phải tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận với chúng ta. Ví dụ, chỉ có 4 trong tổng số 28 thành viên NATO, ngoài Mỹ, chi tiêu cho quốc phòng ít nhất 2% GDP của mình, theo yêu cầu của thỏa thuận đã ký.” Ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta đã dành hàng nghìn tỷ USD cho máy bay, tên lửa, tàu chiến, trang thiết bị quân sự để tăng cường lực lượng vũ trang của mình để nó có thể trở thành lá chắn bảo vệ mạnh mẽ cho cả châu Âu và châu Á. Những nước mà chúng ta bảo vệ phải trả tiền cho sự bảo vệ đó và nếu điều này không xảy ra, Mỹ sẽ phải để tự họ bảo vệ bản thân mình. Thế giới sẽ được an toàn hơn nhiều nếu các đồng minh của chúng ta đóng góp phần tương ứng của mình vào hệ thống phòng thủ và an ninh chung…”

Điểm yếu thứ ba trong chính sách đối ngoại hiện nay của nước Mỹ, theo ông Trump, đó là việc các đồng minh đang bắt đầu nghĩ rằng không còn có thể dựa vào Washington được nữa. Ông Trump nói:

“Hiện nay đứng đầu đất nước chúng ta là một vị Tổng thống không thích bạn bè của chúng ta, và lại chịu ảnh hưởng từ kẻ thù của chúng ta. Ông ấy đã ký một thỏa thuận thảm họa với Iran để rồi sau đó tất cả chúng ta buộc phải ngồi khoanh tay xem cảnh Iran chà đạp lên các điều kiện của thỏa thuận đó. Không thể để cho Iran có được vũ khí hạt nhân, và chính quyền Trump sẽ không bao giờ cho phép Iran có được nó. Đấy là tôi còn chưa nói về nỗi sỉ nhục mà Hoa Kỳ đã chịu đựng vì việc Iran đã đối xử tệ hại với mười thủy thủ Mỹ. Trong cuộc đàm phán nên luôn luôn cần sẵn sàng để đứng dậy bỏ đi. Thỏa thuận với Iran, cũng giống như nhiều thỏa thuận khác hết sức bất lợi cho chúng ta,là kết quả của sự thiếu sẵn sàng đứng lên rời khỏi bàn đàm phán. Nếu bên kia hiểu rằng bạn sẽ không bỏ đi, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể giành được thắng lợi. Đồng thời, bạn bè của ta sẽ phải hiểu rõ rằng, ta sẽ tuân thủ nghiêm túc nhất tất cả các điều khoản của các hiệp định mà ta đã ký với họ. Tổng thống Obama đã chấm dứt chương trình phòng thủ tên lửa, rồi sau đó từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech. Ông ấy ủng hộ việc lật đổ chế độ thân thiện với chúng ta ở Ai Cập mà Israel đã từng ký được một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Rồi sau đó ông ấy đã giúp nhóm Huynh đệ Hồi giáo lên nắm quyền lực. Israel, đồng minh chính của chúng ta và nền dân chủ duy nhất tồn tại ở Trung Đông, đã bị hạ nhục và trở thành đối tượng chỉ trích của một chính quyền thiếu hẳn sự minh bạch về đạo đức. Chỉ mới vài ngày trước, Phó Tổng thống Biden lại một lần nữa chỉ trích Israel - đất nước, đấu tranh cho công lý và hòa bình - và gọi nó là một trở ngại đối với hòa bình trong khu vực. Tổng thống Obama chưa từng bao giờ là một người bạn của Israel. Ông ấy đối xử với Iran bằng tình yêu dịu dàng và đầy quan tâm, giúp cho nó một cường quốc hùng mạnh ở Trung Đông - và tất cả điều đó là làm tổn hại cho Israel, cho các đồng minh khác của chúng ta trong khu vực, và quan trọng nhất là, làm tổn hại cho cả các quyền lợi của Mỹ.

Chúng ta từng tham gia đấu tranh cùng với những người bạn cũ nhưng bây giờ, họ bắt đầu phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở những nơi khác…”

Ứng cử viên Trump cũng cho rằng, điểm yếu thứ tư trong đối ngoại của nước Mỹ là việc các đối thủ đã không còn tôn trọng Washington nữa: “Chúng ta đã cho phép các đối thủ của mình nghĩ rằng, họ muốn làm gì cũng được. Nếu nhiệm vụ của Tổng thống Obama là làm suy yếu Mỹ thì rõ ràng là ông ấy đã hoàn thành nó không thể xuất sắc hơn…” Theo ông Trump, mọi điểm yếu trên nảy sinh chính là vì “nước Mỹ đã không còn một sự hiểu biết rõ ràng về các mục tiêu đối ngoại của mình…” Ông nêu rõ: “ Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và sụp đổ Liên bang Xô viết, chúng ta đã thiếu một chính sách đối ngoại nhất quán. Hôm nay chúng ta ném bom Libya và loại bỏ những kẻ độc tài để cho công dân của quốc gia đó có thể tạo dựng nền dân chủ, nhưng tới ngày mai thì chúng ta sẽ phải thấy cảnh chính những người dân ấy phải vật vã thế nào cho đến khi đất nước họ tan rã thành từng phần…” Hệ lụy từ các cuộc can thiệp của Obama - Clinton là một sự suy yếu, lú lẫn và rối loạn: “Chúng ta đã mang tới Trung Đông nhiều bất ổn và hỗn độn nhiều hơn bất cứ ai và bất cứ khi nào trước đây. Chúng ta đã khiến các tín đồ Thiên chúa giáo trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp tàn bạo và thậm chí, bị diệt chủng. Hành động của chúng ta tại Iraq, Libya và Syria đã góp phần làm gia tăng sự phát triển của IS….”

Hoàng Trung